Hiện nay, làng nghề và nghề truyền thống ở nước ta không chỉ tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương mà còn thể hiện giá trị văn hóa, trở thành chất liệu làm nên sản phẩm du lịch giới thiệu đến du khách muôn phương.
Nhìn từ góc độ văn hóa, làng nghề, nghề thủ công là những di sản văn hóa cần được bảo tồn, phát huy giá trị, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có kinh tế du lịch. Từ nguyên liệu cho đến các công đoạn sáng tạo, làm nên sản phẩm hoặc quan niệm về tín ngưỡng, nhân sinh thể hiện qua sản phẩm cùng các nghi thức tôn vinh tổ nghề đều thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân làng nghề, có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Bài 1: Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa
Hiện nay, làng nghề và nghề truyền thống ở nước ta không chỉ tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương mà còn thể hiện giá trị văn hóa, trở thành chất liệu làm nên sản phẩm du lịch giới thiệu đến du khách muôn phương.
* Từ những sản phẩm gắn với đời sống
Tự hào nghề làm nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở hạng mục "Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian", bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: Không chỉ là gia vị quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, nước mắm truyền thống Phú Quốc với cách chế biến công phu từ chọn nguyên liệu cá cơm của biển khơi, quy trình chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ ủ chượp với muối theo tỉ lệ nhất định, đựng trong những thùng gỗ to đã trở thành đặc sản thể hiện nét văn hóa của người dân vùng biển đảo phía Nam đất nước. Người làm nước mắm truyền thống Phú Quốc luôn trân trọng gìn giữ, tiếp nối nghề truyền thống nghề của ông cha. Giữ nghề không chỉ để có sản phẩm chất lượng, tiêu thụ thuận lợi trên thị trường trong nước và xuất khẩu mà còn kết nối phát triển du lịch hiệu quả.
Tương tự, một sản phẩm thân thuộc, hiện diện trong ngôi nhà của nhiều gia đình là chiếc chiếu nhỏ cũng ẩn chứa, kết tinh nhiều giá trị văn hóa độc đáo của những người thợ làng nghề. Ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Từ những sợi cây lác có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười với sức lao động bền bỉ, cần cù của người thợ, trải qua hàng loạt công đoạn từ thu hoạch lác, phơi, chẻ thành sợi, nhuộm màu, dệt, những chiếc chiếu với đủ loại hoa văn được hoàn thành. Không những thế, phương thức tiêu thụ sản phẩm của người dân làng nghề dệt chiếu nơi vùng Đồng Tháp Mười qua phiên chợ họp từ nửa đêm về sáng, kịp đem sản phẩm tỏa đi muôn nơi cũng làm nên một nét văn hóa độc đáo. Những phiên "chợ ma" hay chợ "âm phủ" như cách thường gọi của người dân do chợ diễn ra vào ban đêm, người với người có khi chẳng nhìn rõ mặt nhau, khiến nhiều du khách có dịp đến trải nghiệm cảm thấy rất thú vị.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phân tích: Sự phát triển của các ngành nghề truyền thống Việt Nam hiện nay không chỉ có vai trò nâng cao mức sống cho người dân mà còn là dấu ấn truyền thống văn hóa dân tộc qua mỗi thời kỳ. Đó là kho tàng văn hóa quý giá rất cần được gìn giữ và bảo tồn. Những chiếc lọ hoa, bộ ấm chén gốm sứ, bức tranh thêu cầu kỳ, sang trọng, đồ thờ cúng gia tiên lộng lẫy…, đều ghi dấu ấn tài hoa của những người thợ thủ công. Ở các điểm du lịch, du khách trong nước và quốc tế thường chọn mua các sản phẩm độc đáo của địa phương để làm đồ lưu niệm.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có trên 5.000 làng nghề, nghề truyền thống đã được công nhận, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Đồng thời, mỗi làng nghề, địa phương có nghề truyền thống còn là nơi thể hiện bản sắc văn hóa, thể hiên tài năng sáng tạo của cộng đồng cư dân bản địa.
* Điểm đến du lịch, mua sắm hấp dẫn
Làng nghề truyền thống được duy trì phát triển qua nhiều thế hệ không chỉ đem lại cho người dân nguồn sinh kế, thu nhập ổn định mà còn trở thành điểm đến tham quan, du lịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp của di sản văn hóa Việt Nam.
Đại diện nhều doanh nghiệp lữ hành cho biết: trong các tour du lịch đến thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) hầu hết các phân khúc du khách đều rất hào hứng khi đến tham quan, trải nghiệm tại các nhà thùng sản xuất nước mắm. Nhiều du khách say sưa tìm hiểu từng công đoạn sản xuất, lưu giữ lại hình ảnh những chiếc thùng gỗ lớn độc đáo, bên ngoài được gia cố bằng những sợi thừng vững chãi hoặc các thuyền đánh bắt hải sản. Sau đó, du khách còn nếm thử những giọt nước mắm sóng sánh, mặn mà và mua về sử dụng hoặc làm quà. Cùng với bãi tắm nước xanh trong, phong cảnh trời nước, những hòn đảo xinh đẹp, các di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề, nghề truyền thống của cư dân trên Đảo Ngọc Phú Quốc như làm nước mắm, chế biến tiêu, sản xuất rượu sim và nhiều đặc sản ẩm thực hấp dẫn đang tạo nên sức hút, thu hút mỗi năm khoảng 5 triệu- 6 triệu du khách đến thành phố biển đảo này.
Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, các làng nghề truyền thống của tỉnh Đồng Tháp như làng nghề sản xuất hoa, kiểng Sa Đéc, làng nghề đóng xuống ghe Long Hậu hay làng nghề dệt chiếu Định Yên đã trở thành điểm đến mua sắm sản phẩm, đồng thời là điểm tham quan, du lịch của du khách.
Theo bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp: Tỉnh Đồng Tháp xác định khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống theo hướng du lịch mang đến hiệu quả kép: vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.
Từ năm 2023, sản phẩm du lịch văn hóa tham quan đình, làng nghề dệt chiếu Định Yên, trải nghiệm khung cảnh tái hiện ”Chợ ma Định Yên” mua , bán chiếu, nghe đờn ca tài tử, tham gia các trò chơi dân gian và thương thức đặc sản trong không gian nhiều hoài niệm đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút nhiều du khách.
Chị Nguyễn Thanh Hà, một du khách đến từ (Quận 3) Thành phố Hồ Chí Minh có dịp được trải nghiệm "Chợ ma Định Yên” chia sẻ: đêm khuya, trời tối, chỉ có ánh sáng của bó đuốc làm bằng lá dừa hay những chiếc đèn đốt bằng dầu mù u, người bán, người mua chiếu đi bộ hay bơi xuồng, ghe đến chợ đã tạo ấn tượng không thể quên cho chị và nhiều du khách.
Mới đây, dù chưa được đến làng nghề, song tại chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 12/2024, tại trục đường Lê Lợi, quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã tái hiện, mô tả nhiều hoạt động của các làng nghề truyền thống. Anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay: "ngay giữa lòng thành phố, tôi được người thợ làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (tỉnh Bến Tre) trình diễn xay bột, cách thức phối hợp các nguyên liệu và tráng bánh rất thú vị. Tôi còn được biết đây là những nghề truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thời gian tới, tôi sẽ sắp xếp, đưa các con đi du lịch, đến tham quan các làng nghề để tìm hiểu nhiều hơn các nghề truyền thống, đời sống nông thôn, để các con hiểu hơn và thêm yêu quê hương, đất nước"./.
Bài 2: Chung tay "níu chân" du khách