Văn hóa

Làng hương Báo Ân rộn ràng vào vụ Tết

Hà Tĩnh

Làng nghề hương Báo Ân có tuổi đời gần 50 năm nhưng cũng đủ để người dân nơi đây ghi danh vào những làng nghề làm hương truyền thống nổi tiếng của cả nước.

Những ngày này, tại làng nghề làm hương truyền thống thôn Báo Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang nhộn nhịp sản xuất để kịp cho ra những nén hương thơm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Dưới bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ làng nghề truyền thống nơi đây, hương Báo Ân có mùi thơm ngọt, ấm, luôn được khách hàng gần xa lựa chọn để dâng lên bàn thờ tổ tiên dịp Tết.

Người làm hương Báo Ân tăng cường sản xuất để phục vụ thị trường Tết. 
Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Làng nghề hương Báo Ân có tuổi đời gần 50 năm nhưng cũng đủ để người dân nơi đây ghi danh vào những làng nghề làm hương truyền thống nổi tiếng của cả nước. Toàn thôn Báo Ân có khoảng hơn 60 hộ làm hương, trong đó có 20 hộ sản xuất quy mô lớn. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là hương thẻ.

Chị Lương Thị Hoa (sinh năm 1982, người làm hương ở thôn Báo Ân) chia sẻ: Trước đây, khi nghề làm hương mới du nhập, người dân cũng chỉ xem đây là một nghề tạm để làm thêm lúc nông nhàn. Dần dà, khi đã có kinh nghiệm, nhiều người lại say mê và tâm huyết với nghề làm hương và gắn bó với nghề này hơn. Nhiều hộ trong làng vươn lên khá giả nhờ nghề này.

Theo chia sẻ của người dân làng Báo Ân, để cho ra đời những nén hương sạch thơm, đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng. Nén hương của làng Báo Ân được ưa chuộng vì được làm từ các nguyên liệu sạch từ thiên nhiên như bột lá quế, bột vỏ quế, bột lá tràm, bột cưa, bột dẻo và nước, xay nhuyễn theo tỷ lệ nhất định. Để tạo ra những cây hương có chất lượng, người thợ phải trải qua các công đoạn trộn nguyên liệu, se nhang, phơi khô và đóng gói. Thông qua máy kết dính, cọng hương được cho ra với số lượng hàng chục cọng mỗi phút.

Từ đầu tháng 4, thời điểm trời nắng nhất, các hộ dân ở làng Báo Ân đã đẩy mạnh sản xuất, bởi theo họ, cây hương phơi được nắng thì sẽ rất thơm, bảo quản tốt, khi cháy sẽ cuốn tàn rất đẹp.

Cũng giống như bao làng nghề truyền thống khác, nghề làm hương không gò bó về mặt thời gian và kỹ thuật cũng không quá khó nên từ trẻ nhỏ đến người già, từ người thợ lành nghề đến những người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn, mỗi người đều có thể đóng góp một khâu trong quá trình làm hương. Chẻ chân hương thì cần bàn tay dày dặn kinh nghiệm của người già; phơi hương thì cần sự khéo léo, tỉ mẩn của người phụ nữ; còn gói hương thì trẻ em 8,9 tuổi cũng có thể giúp cha mẹ làm được ngoài những lúc học hành, vui chơi.

Để đẩy mạnh sản xuất, các hộ làm hương còn đầu tư thêm máy móc hỗ trợ nên sản phẩm tăng cao, mẫu mã đẹp. Chị Lương Thị Hoa cho biết, nhờ có máy móc hỗ trợ nên việc làm hương cũng đơn giản hơn, tuy vậy vẫn có những công đoạn phải có bàn tay khéo léo của con người.

Thôn Báo Ân hiện có 60 hộ còn giữ nghề làm hương truyền thống, trong đó 20 hộ sản xuất quy mô lớn
. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Thời điểm cận Tết, ngoài 2 lao động chính là vợ chồng chị Hoa, chị còn thuê thêm 2 lao động thời vụ, đặc biệt các con khi tan giờ học cũng phụ bố mẹ gói hương. Theo chia sẻ của chị Hoa, trung bình mỗi vụ Tết, gia đình chị bán ra thị trường gần 300.000 búp hương.

Những ngày này, tại gia đình anh Phan Văn Dần, một hộ sản xuất hương quy mô lớn tại thôn Báo Ân đang thuê thêm lao động, đẩy mạnh sản xuất. Theo chia sẻ của anh Dần, cây hương bán mạnh vào các dịp Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và đặc biệt là Tết Nguyên đán. Theo các đại lý sỉ báo về thì nhu cầu của thị trường hương năm nay tăng gần 30% so với năm ngoái. Dự kiến dịp Tết này, gia đình sẽ xuất ra thị trường khoảng 5 đến 7 tấn hương, cho doanh thu gần 300 triệu đồng.

Cây hương Báo Ân nhiều năm nay không chỉ được ưa chuộng tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà “tiếng lành đồn xa”, nhiều khách hàng, đại lý ở Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa cũng chọn mua. Đời sống người dân thôn Báo Ân nhờ cây hương mà cũng phát triển. Đặc biệt, kể từ khi làng nghề hương Báo Ân được công nhận là làng nghề truyền thống, người dân gắn bó với nghề hơn. Mỗi nén hương được dâng lên bàn thờ dịp Tết, không chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn của thế hệ con cháu với ông bà tổ tiên mà là còn nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của người Việt. Chính vì vậy, người làm hương Báo Ân cũng quan niệm, giữ gìn nghề làm hương là giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc./.

Hoàng Thị Ngà

Xem thêm