Từ vốn vay chính sách, nhiều người chấp hành xong án phạt tù đã thực hiện các mô hình kinh tế, đem lại hiệu quả...
Sau một năm thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (viết tắt Quyết định số 22), Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã giải ngân cho 52 hộ vay với số tiền là trên 2,9 tỷ đồng. Từ vốn vay chính sách, nhiều người chấp hành xong án phạt tù đã thực hiện một số mô hình làm ăn đem lại hiệu quả như kinh doanh quán cà phê, chăm sóc thú cưng, nuôi lươn, trồng mít, trồng sầu riêng...
Ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trung ương phân bổ, ngân sách thành phố và ngân ngân sách quận, huyện (Phong Điền và Cái Răng) chuyển vốn cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù đã đáp ứng đủ nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng.
Thượng tá Lê Tường Vi, Phó trưởng Công an quận Cái Răng cho biết, quận có 278 người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, quận tiếp nhận khoảng 50 - 70 đối tượng tù tha, đặc xá, tái hòa nhập trở về sinh sống trên địa bàn. Với số lượng người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ngày càng gia tăng, thì Quyết định số 22 là chính sách nhân văn, nhân đạo và nhận được sự đồng thuận, lan tỏa sâu rộng.
Việc phối hợp giữa Công an quận Cái Răng và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cái Răng thực hiện Quyết định số 22 được Huyện ủy, UBND quận và UBND các xã, phường, đoàn thể địa phương đồng thuận ủng hộ.
Một năm thực hiện Quyết định số 22, Thượng tá Lê Tường Vi cho biết, Công an quận Cái Răng phối hợp các đoàn thể phường, xã làm công tác tuyên truyền, quản lý, giám sát những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đặc biệt, Công an quận phối hợp Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận khảo sát trực tiếp các hồ sơ vay vốn của những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Sau đó, quyết định giải ngân cho 9 trường hợp với số tiền 600 triệu đồng.
Đến thời điểm này, những người vay vốn đều trả lãi, gốc theo đúng thời hạn, chưa có trường hợp nợ xấu, bỏ đi khỏi nơi cư trú. Đặc biệt, có một số trường hợp vay vốn làm ăn hiệu quả như nuôi ba ba, mở quán ăn, bán trái cây...
Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Tường Vi, bên cạnh những tín hiệu khả quan thì quá trình triển khai Quyết định số 22 cũng gặp một số khó khăn. Ngoài vấn đề những đối tượng chấp hành xong án phạt tù còn tâm lý mặc cảm, e dè, tự ti khi trở về địa phương thì việc thu hồi nợ vay, lãi của người vay theo Quyết định số 12 cũng gặp khó.
"Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ quan tâm hỗ trợ tăng cường nguồn vốn thực hiện Quyết định số 22, góp phần ổn định cuộc sống cho những người tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm, phát sinh mất an ninh trật tự địa phương", Thượng tá Vi đề xuất.
Trước những khó khăn trong quá trình triển khai Quyết định số 22 (số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 22 đạt tỷ lệ thấp; huyện Cờ Đỏ chưa phát sinh cho vay theo Quyết định số 22), ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ cho biết, thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ phối hợp Công an thành phố và chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục tuyên truyền chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Đồng thời, các đơn vị cùng phối hợp theo dõi, giám sát việc sử dụng vốn của người vay để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời khi người vay vốn gặp khó khăn; tuyên truyền nhắc nhở người vay chấp hành tốt việc trả lãi, gửi tiết kiệm hàng tháng, trả gốc định kỳ; xử lý kịp thời các trường hợp không chấp hành việc trả lãi, trả nợ để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người vay vốn.
Công an thành phố, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố chuyển bổ sung vốn để cho vay, đảm bảo nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn theo quy định.
Nhằm tìm hiểu kết quả sử dụng nguồn vốn tín dụng, nắm bắt tâm tư của người vay vốn theo Quyết định số 22, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cùng đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ và các sở, ngành liên quan đã đến thăm hỏi, động viên các hộ vay vốn làm kinh tế tại các địa phương: quận Bình Thủy, Ô Môn và huyện Cờ Đỏ.
Qua khảo sát, kiểm tra một số hộ vay vốn theo Quyết định số 22, Phó Chủ tịch Nguyễn Thực Hiện ghi nhận các đối tượng sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, người vay chí thú làm ăn và mong muốn được nâng mức vay vốn tín dụng chính sách để mở rộng quy mô buôn bán, kinh doanh.
Ông Nguyễn Thực Hiện đề nghị Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ và lãnh đạo các phòng giao dịch quận, huyện xem xét tạo điều kiện để nâng hạn mức vay cho các hộ vay vốn làm ăn hiệu quả để người tái hòa nhập giảm khó khăn, mở rộng kinh doanh, nâng cao thu nhập./.
- Từ khóa:
- Tín dụng
- nguồn vốn chấp hành
- án phạt