Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là một quá trình tất yếu nhằm thích ứng với yêu cầu phát triển, hiện đại hóa nền hành chính công.
Ngày 25/4, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm kết nối việc làm, phát triển đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.
Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, đây là dịp để các chuyên gia lao động việc làm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trao đổi, đánh giá thực tiễn và gợi mở giải pháp hiệu quả, khả thi nhằm hỗ trợ đội ngũ bị ảnh hưởng sau sắp xếp bộ máy có cơ hội kết nối lại với thị trường lao động để tiếp tục phát triển nghề nghiệp bền vững. Tọa đàm còn góp phần hoàn thiện chính sách, xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề hiệu quả hơn; góp phần giữ vững an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng quản trị địa phương.
Bà Lượng Thị Tới cho biết, việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là một quá trình tất yếu nhằm thích ứng với yêu cầu phát triển, hiện đại hóa nền hành chính công. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp cũng đặt ra không ít thách thức; nhất là về việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định thu nhập và phát huy kinh nghiệm chuyên môn của đội ngũ sau sắp xếp.
"Nhiều cán bộ, công chức, người không chuyên trách sau khi thôi nhiệm vụ hoặc không còn bố trí lại công tác đang cần được hỗ trợ thiết thực trong việc tiếp cận thông tin thị trường lao động, tư vấn nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng mới hoặc tạo điều kiện để khởi nghiệp, chuyển đổi nghề phù hợp….", bà Lượng Thị Tới chia sẻ.
Tại tọa đàm, ông Võ Hồng Bửu, Trưởng phòng Dịch vụ nhân sự thuê ngoài, Công ty Cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet) đã khái quát về xu hướng phát triển kinh tế, thị trường lao động; đồng thời nhận định, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. "Người lao động muốn tiếp cận cơ hội việc làm ổn định ngoài kiến thức chuyên môn cần có những kỹ năng số (như: sử dụng AI, tự động hóa báo cáo, quản lý; thành thạo Excel, phần mềm ERP); các kỹ năng mềm (giao tiếp đa văn hóa, quản lý thời gian, thích nghi, mô hình làm việc hiện đại Hybrid Working - cho phép nhân viên linh hoạt giữa làm việc tại văn phòng hoặc tại nhà...", ông Võ Hồng Bửu nêu rõ.
Nhận diện những khó khăn của người lao động khi chuyển từ làm việc công sang tư, ông Hồng Duy, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cung ứng nguồn lao động Nhân Kiệt đã đưa ra giải pháp, nhóm người lao động phổ thông có thể tham gia ở các ngành đang thiếu hụt nhiều lao động như: Logistics, sản xuất, dịch vụ vận hành đơn giản (hỗ trợ kho, giao nhận, vận hành, hành chính sơ cấp...). Ông đề xuất cung ứng nhân lực hành chính theo mô hình Outsourcing (ngoài biên chế); linh hoạt theo ngân sách, thời gian cần sử dụng; đảm bảo đầy đủ pháp lý, hợp đồng rõ ràng, không làm tăng biên chế nhưng vẫn giữ được chất lượng vận hành cho cơ quan công lập; cam kết sẵn sàng hợp tác thí điểm tại một số địa bàn trước khi nhân rộng.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, nhóm cán bộ hành chính là lực lượng lao động có chuyên môn, kỹ năng hành chính nhưng do cơ cấu lại tổ chức, không còn vị trí phù hợp.
"Nhiều doanh nghiệp sau khi tiếp nhận nhận định, không ít công chức, viên chức làm việc rất tốt, có ý thức trách nhiệm kỹ năng, kỷ luật và khả năng tập hợp tốt… giúp cho doanh nghiệp phát triển", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính dự kiến 11.015 người dôi dư; trong đó, biên chế là 5.453 người và người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 5.562 người./.