Việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành bằng hình thức phát phiếu trực tiếp đến từng hộ theo từng thôn, tổ dân phố; kết quả là hơn 99% cử tri tham gia lấy ý kiến đồng ý với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.
Trong quá trình thăm dò, lấy ý kiến tại một số địa phương, người dân đều tán thành chủ trương về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Nhiều người dân đề xuất được đặt lại tên đơn vị hành chính mới theo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa đặc trưng của địa phương mình.
* Huế: Tán thành chủ trương Đề án sắp xếp
Ngày 25/4, Hội đồng nhân dân thành phố Huế tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 23, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc tán thành chủ trương Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã năm 2025.
Thành phố Huế có diện tích tự nhiên hơn 4.947 km2, quy mô dân số hơn 1,4 triệu người. Theo Đề án, thành phố Huế sắp xếp 133 đơn vị hành chính cấp xã hiện có, để tổ chức lại thành 40 đơn vị (21 phường và 19 xã). Trong đó, 1 đơn vị hành chính cấp xã được giữ nguyên hiện trạng; 2 đơn vị được tổ chức lại theo phương án sáp nhập 2 đơn vị; 24 đơn vị được tổ chức lại theo phương án sáp nhập 3 đơn vị; 11 đơn vị được tổ chức lại theo phương án sáp nhập 4 đơn vị; 2 đơn vị được tổ chức lại theo phương án sáp nhập 6 đơn vị.
Theo thống kê, số cán bộ công chức, viên chức, người lao động cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế tính đến ngày 1/4/2025 là 23.764 biên chế, hiện có là 23.073 người, còn lại chưa sử dụng 691 biên chế.
Theo Đề án, thành phố giữ nguyên số lượng biên chế công chức của cấp huyện, cấp xã hiện có để bố trí làm việc tại cấp xã và thực hiện rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định của Chính phủ; dự kiến biên chế bình quân của mỗi cấp xã khoảng 32 người (không bao gồm khối đảng, đoàn thể).
Tính đến ngày 1/4/2025, tổng số người hoạt động không chuyên trách ở 133 đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Huế là 2.004 người, số lượng chuyên trách có mặt hiện có là 1.370 người. Thành phố sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ ngày 1/8/2025.
Đề án đề cập phương án và lộ trình giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp…
Trước đó, thành phố Huế tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở 1.086 thôn, tổ dân phố của 132 xã, phường, thị trấn. Việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành bằng hình thức phát phiếu trực tiếp đến từng hộ theo từng thôn, tổ dân phố. Kết quả là hơn 99% cử tri tham gia lấy ý kiến đồng ý với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Căn cứ kết quả sau khi lấy ý kiến nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã đã họp biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Huế năm 2025.
* Cần Thơ: Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao
Ngày 25/4, HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề) nhằm thông qua chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, thực hiện công tác nhân sự và các lĩnh vực kinh tế, ngân sách thành phố.
Cụ thể, kỳ họp HĐND thành phố Cần Thơ đã thông qua 12 Nghị quyết, trong đó có 2 Nghị quyết liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã như: Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; Nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Cần Thơ năm 2025. Theo đó, thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.
Đơn vị hành chính thành phố Cần Thơ có diện tích tự nhiên 6.400,83 km2, quy mô dân số 4.061.292 người. Số lượng đơn vị hành chính trực thuộc là 103 đơn vị hành chính, gồm 31 phường và 72 xã; Nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Cần Thơ năm 2025 thống nhất sắp xếp từ 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 phường, 16 xã.
Ngoài ra, HĐND thành phố Cần Thơ cũng đã thông qua 8 Nghị quyết liên quan lĩnh vực kinh tế, ngân sách và thu hồi đất, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý để UBND thành phố chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025 đã đề ra và 2 nghị quyết liên quan công tác nhân sự.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ yêu cầu UBND thành phố khẩn trương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả những nghị quyết HĐND thành phố đã thông qua; tiếp thu hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp gửi Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, theo quy định.
Tại kỳ họp, HĐND thành phố Cần Thơ cũng đã miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Quang Nghị, nguyên Giám đốc Sở Tài chính (nghỉ hưu); bà Trần Thị Xuân Mai, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nghỉ hưu); các ông Mai Như Toàn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng; Huỳnh Hoàng Mến, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (do được bố trí công tác khác). HĐND thành phố Cần Thơ bầu chức danh Ủy viên UBND thành phố đối với ông Trần Phú Lộc Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
* Ninh Thuận: Điều chỉnh lại tên gọi xã, phường theo nguyện vọng của nhân dân
Ngày 25/4, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết sau khi xem xét Tờ trình số 43-TTr/TU ngày 25/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về điều chỉnh tên gọi các xã, phường của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết thống nhất điều chỉnh, định hướng lại tên gọi xã, phường mới gắn với địa danh văn hóa, lịch sử… theo đúng nguyện vọng của nhân dân. Tỉnh luôn cầu thị, tôn trọng và tiếp thu ý kiến của nhân dân về đặt tên gọi mới của xã, phường ở tỉnh sau sáp nhập.
Trước đó, tỉnh đã gửi phiếu thăm dò, lấy ý kiến của người dân về đặt tên cho các xã, phường mới sau sắp xếp gắn với số thứ tự 1, 2, 3, 4… Tuy nhiên, người dân không đồng tình và mong muốn điều chỉnh cho phù hợp, gắn liền với văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương để thuận tiện cho việc gọi tên, đặc biệt là để cho thế hệ trẻ biết đến địa danh văn hóa, ý nghĩa lịch sử của tên địa phương mình.
Cụ thể: Phường Phan Rang 1 (sáp nhập phường Kinh Dinh, phường Phủ Hà, phường Đài Sơn và phường Đạo Long) đổi tên thành phường Phan Rang. Phường Phan Rang 2 (sáp nhập phường Mỹ Bình, phường Mỹ Đông, phường Mỹ Hải và phường Đông Hải, trừ thôn Phú Thọ) đổi tên thành phường Đông Hải. Phường Phan Rang 3 (sáp nhập phường Văn Hải thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) đổi tên thành phường Ninh Chử. Phường Phan Rang 4 (sáp nhập phường Phước Mỹ, phường Bảo An và xã Thành Hải) đổi tên thành phường Bảo An. Phường Phan Rang 5 (sáp nhập phường Đô Vinh và xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) đổi tên thành phường Đô Vinh...
Dự kiến tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân trước khi HĐND khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua tại kỳ họp thứ 25 diễn ra vào ngày 28/4 tới đây. Như vậy, trong số 62 đơn vị hành chính cấp xã (12 phường, 3 thị trấn và 47 xã), sau khi sắp xếp, toàn tỉnh chỉ còn 24 đơn vị, gồm 19 xã, 5 phường, tỉ lệ giảm 61,3%./.