Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Tổ công tác phòng, chống buôn bán người, bà con đã thay đổi nhận thức, chăm lo phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
TTXVN - Xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An từng là địa phương nóng về tình trạng buôn bán người. Do nhận thức hạn chế, khoảng từ năm 2018-2019, trên địa bàn có hàng chục phụ nữ người dân tộc Khơ Mú bị các đối tượng buôn người, dụ dỗ, lôi kéo, đã vượt biên ra nước ngoài, sinh con rồi bán. Ngay sau đó, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đặc biệt hoạt động hiệu quả của Tổ công tác phòng, chống buôn bán người, tình trạng trên đã chấm dứt. Bà con đã thay đổi nhận thức, chăm lo phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Lập danh sách giám sát
Bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm nằm giữa rừng phòng hộ của huyện Kỳ Sơn. Đây cũng là 3 bản với 100% là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Trình độ nhận thức hạn chế, cuộc sống nhiều khó khăn nên phụ nữ ở đây chính là đối tượng mà những kẻ buôn bán người nhắm đến. Năm 2018 - 2019, hơn 20 trường hợp là phụ nữ người Khơ Mú bị lừa gạt, nhận thức kém, đã vượt biên, sinh con rồi bán.
“Các đối tượng buôn người khi tiếp cận phụ nữ mang thai thường bảo rằng bán con sẽ có một khoản tiền lớn để trang trải cuộc sống, để có thể nuôi những đứa con còn lại tốt hơn. Chỉ cần họ đồng ý là các đối tượng móc nối, đặt xe, đưa những phụ nữ này ra một số tỉnh phía Bắc để xuất cảnh sang nước ngoài. Nguy hiểm hơn, nhiều phụ nữ từng là nạn nhận của các đối tượng mua bán người, sau khi trở về địa phương lại lôi kéo, lừa gạt những phụ nữ khác bán con”, Đại úy Trần Danh Hòa, Trưởng Công an xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn chia sẻ.
Trước sự tinh vi, phức tạp của tội phạm mua bán người, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, đầu năm 2022, UBND xã Hữu Kiệm đã thành lập tổ phòng, chống buôn bán người với lực lượng nòng cốt gồm: lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Công an xã, hội viên Hội phụ nữ xã, Trưởng các bản. Đều đặn 2 lần/tuần, tổ công tác sẽ trực tiếp về các thôn, bản, đến nhà thai phụ nắm tình hình, hỏi thăm sức khỏe, đồng thời tuyên truyền người dân không thực hiện các hành vi buôn bán người, buôn bán bào thai.
Đại úy Trần Danh Hòa, Trưởng Công an xã, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống mua bán người xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cho biết, để đấu tranh với tội phạm mua bán người, Tổ công tác đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban quản lý bản, Công an viên, thường xuyên bám nắm địa bàn, rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội buôn bán người, các nạn nhân từ nước ngoài về. Riêng đối với những phụ nữ có thai, đây là nhóm đối tượng trong tầm ngắm của tội phạm mua bán người. Vì vậy, tổ công tác lập danh sách, thường xuyên cắt cử người đến nhà thai phụ nắm tình hình, hỏi thăm sức khỏe, đồng thời tuyên truyền người dân không thực hiện các hành vi buôn bán người, buôn bán bào thai. Khi phát hiện các đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn xuất hiện tại địa bàn, đề nghị người dân kịp thời báo cáo cho Công an xã, từ đó có biện pháp xử lý ngay từ ban đầu.
Thay đổi nhận thức
Từng là địa bàn nóng về tội phạm mua bán người, nhưng từ năm 2022 đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, đặc biệt với sự hoạt động hiệu quả của Tổ công tác phòng, chống buôn bán người, tình trạng trên đã chấm dứt. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn không xảy ra vụ việc nào, quan trọng hơn cả là đồng bào đã dần thay đổi nhận thức.
Anh Cụt Văn Thuận (Trưởng bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) cho biết, từ khi chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là khi Tổ công tác phòng, chống buôn bán người do lực lượng Công an xã làm nòng cốt đi vào hoạt động, tình hình an ninh trận tự trên địa bàn được giữ vững, tình trạng mua bán người, mua bán bào thai chấm dứt.
Theo chân Tổ công tác xuống kiểm tra tại bản Đỉnh Sơn 2, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh việc thăm hỏi, động viên các thai phụ, các thành viên của Tổ còn tích cực tuyên truyền nhũng quy định pháp luật, vạch trần các thủ đoạn của tội phạm mua bán người thường sử dụng. Nhờ đó, nhận thức của người dân, nhất là những phụ nữ mang thai đã thay đổi rõ nét.
Đang mang thai tháng thứ 8, chị Lữ Thị Mùi (bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm) cho biết, trước đây, trong bản có nhiều phụ nữ đang có thai bị kẻ xấu dụ dỗ vượt biên để sinh con rồi bán. Nhiều người cũng không biết được mình đang vi phạm pháp luật. Nhưng từ khi Tổ công tác đến tận bản, tận nhà tuyên truyền thì hầu như ai cũng nắm rõ đó là hành vi vi phạm pháp luật, bị cấm. Bản thân chị đã có 2 con, đang mang thai đứa thứ 3, chị sinh để nuôi chứ không có ý định bán. Còn chị Ven Thị Biên (bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm) đang mang thai tháng thứ 9 thì quả quyết “Được cán bộ thôn, xã tuyên truyền rồi nên dù có nghèo đến mấy mình cũng sinh để nuôi chứ không có ý định bán con hay bỏ con đâu!”.
Theo thống kê của Công an xã Hữu Kiệm, từ đầu năm 2022 đến nay, dù không phát hiện vụ việc mua bán người nhưng lực lượng chức năng đã ngăn 4 phụ nữ có dấu hiệu vượt biên bán bào thai. Có thể thấy, tình trạng mua bán người, mua bán bào thai dù đã ngăn chặn nhưng vẫn còn âm ỷ do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh vấn đề nhận thức hạn chế, yếu tố kinh tế là nguyên nhân thường được các đối tượng buôn người hướng tới để thuyết phục các thai phụ. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, tăng cường giám sát, việc hỗ trợ đồng bào nơi đây, nhất là đối với phụ nữ, có thêm nguồn lực, cơ hội phát triển kinh tế luôn được chính quyền địa phương chú trọng.
Chị La Thị Thanh An, Cán bộ văn hóa xã Hữu Kiệm cho biết, đồng bào Khơ Mú có đời sống rất khó khăn, vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, giám sát, để giúp chị em phụ nữ sau khi trở về địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã cũng tuyên truyền, vận động chị em tham gia làm các mô hình như trồng rau, dệt thổ cẩm, đan lát, qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Được biết, để nhân rộng mô hình tuyên truyền trên tới nhiều xã, huyện Kỳ Sơn đang xem xét mở các lớp bồi dưỡng tập huấn kiến thức cho cán bộ, đồng thời hỗ trợ kinh phí thêm cho các thành viên tham gia Tổ công tác. Tại Nghệ An, nhiều mô hình phòng, chống tội phạm buôn người tại Nghệ An đã được thành lập, hoạt động hiệu quả. Có thể kể đến mô hình Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người ở các xã Tam Quang, Nga My, Yên Hòa (huyện Tương Dương), xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong), hay mô hình Lá chắn phòng, chống mua bán người tại xã Đôn Phục (huyện Con Cuông)… Nhờ đó, nhận thức người dân ngày được nâng cao, tình hình tội phạm buôn bán người đã giảm rõ rệt./.