Hình ảnh và tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" là hiện tượng độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Trên thế giới, hiếm có quốc gia, dân tộc nào mà nhân dân lại lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt tên cho người lính.
Gần 78 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã cùng toàn dân làm nên những chiến thắng vẻ vang, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực sự xứng đáng với tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" do nhân dân trao tặng. Giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới là nhiệm vụ, trách nhiệm và niềm tự hào của toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đội.
Những giá trị cao quý
Các đặc trưng cơ bản của "Bộ đội Cụ Hồ" đã được cô đúc trong lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Những năm qua, truyền thống vẻ vang của Quân đội, phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" luôn được giữ gìn và phát huy. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Quân đội luôn giữ vững phẩm chất người quân nhân cách mạng, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, những hành vi tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy, yêu mến.
Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trên thế giới hiếm có dân tộc nào giống dân tộc Việt Nam, trong gần 78 năm qua kể từ ngày giành lại độc lập đã phải tiến hành tới ba cuộc chiến tranh vệ quốc vì mục tiêu cao quý là độc lập cho Tổ quốc. Theo ông Vũ Khoan, một trong những yếu tố làm nên chiến thắng kỳ tích của Việt Nam trước các thế lực ngoại xâm có tiềm lực vật chất hùng hậu gấp bội là giá trị văn hóa được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước mà Bác Hồ và con cháu của Người là biểu tượng.
Những giá trị đó là tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí sắt đá, sẵn sàng hy sinh cái quý giá nhất của con người là mạng sống vì sự tồn vong của dân tộc; sự cần cù, tinh thần chịu thương, chịu khó, kết hợp với trí thông minh, tài năng sáng tạo trong chiến đấu cũng như xây dựng, trong thời chiến cũng như trong thời bình; tình đồng đội keo sơn, sự gắn bó máu thịt với đồng bào; tính nhân văn và lòng vị tha đối với hàng binh, tù binh nhầm đường lạc lối...
"Những giá trị cao quý ấy đã giúp Quân đội ta không ngừng lớn mạnh, giành chiến thắng huy hoàng, chẳng những 'đi suốt Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam' như Bác Hồ tiên đoán, mà còn kề vai sát cánh với nhân dân các nước láng giềng vì tự do của mỗi nước; đồng cam cộng khổ với châu Phi xa xôi với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định.
Thách thức trong bối cảnh mới
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, việc gìn giữ văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ" vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước sự vận động, phát triển không ngừng của yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tích cực tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững và phát huy những chuẩn mực văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ". Tuy nhiên, vẫn còn đó những cá nhân vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, bị xử lý kỷ luật, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", tình cảm và lòng tin của nhân dân vào Quân đội.
"Chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nhắc đến những trường hợp cán bộ, chiến sĩ ở một số cơ quan, đơn vị vướng vào các tệ nạn như: Lô đề, cờ bạc, lối sống thiếu lành mạnh, ý thức tổ chức kỷ luật kém, sử dụng rượu, bia trái quy định, vi phạm các quy định khi tham gia giao thông, mất đoàn kết với đồng đội, với người dân đơn vị đóng quân. Đáng buồn hơn, có cả cán bộ đã kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối quan điểm của Đảng. Cá biệt, một số lãnh đạo, chỉ huy cơ quan đơn vị, sĩ quan cấp tướng bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm phẩm chất đạo đức người quân nhân cách mạng, vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật truy cứu trách nhiệm hình sự.... Điển hình như mới đây, việc hàng loạt cán bộ chủ trì thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Học viện Quân y… bị khởi tố và xử lý kỷ luật do vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của Đảng đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đây là hệ quả của việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống ở những cá nhân này", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ.
Thực tiễn cho thấy, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" không phải là sản phẩm tự phát, yếu tố sẵn có, mà là kết quả quá trình rèn luyện, phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: "Cho dù chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, kỷ luật của Quân đội trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực có đầy đủ tới đâu đi nữa cũng không thay thế được sự rèn luyện và sự tỉnh ngộ của mỗi người. Thuốc đặc trị hiệu nghiệm nhất chính là ý chí của từng cá nhân thực sự làm theo tấm gương đạo đức, lối sống của người cha đẻ ra Quân đội nhân dân ta là Bác Hồ. Tiếc rằng, có nơi, có lúc phong trào học tập và làm theo tấm gương của Bác còn mang nặng tính hình thức, chưa thấm sâu vào tâm can và hành vi của từng người, chưa trở thành những việc làm thật thiết thực, cụ thể!"
Năm đặc trưng cơ bản
Để làm rõ hơn những đặc trưng cơ bản của "Bộ đội Cụ Hồ", đồng thời bổ sung nhiều ý mới, làm phong phú hơn nội hàm của vấn đề và những vấn đề cốt lõi, ngày 28/12/2021, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về "Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới". Nghị quyết đã thể hiện tính lý luận, tính khoa học, tính thực tiễn, những yêu cầu cấp thiết và giải pháp cơ bản nhằm củng cố sức mạnh cho Quân đội phát triển lâu dài.
Khẳng định về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá cao tính kịp thời của những nội dung Nghị quyết trong hoàn cảnh mới, nhất là trong bối cảnh mặt trái của kinh tế thị trường có sự tác động đối với lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.
Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương có một nội dung quan trọng được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đặc biệt quan tâm, đó chính là việc khái quát năm đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện hiện nay. Theo đó, mỗi quân nhân cần ghi nhớ, thấm nhuần và luôn tự giác phấn đấu thực hiện tốt nhất những đặc trưng cơ bản mà Quân ủy Trung ương đã xác định:
Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên định lập trường Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, chấp nhận hy sinh, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Có đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, lạc quan; nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; không thỏa mãn với thành tích, không chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy.
Tích cực huấn luyện, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt và kiến thức chuyên môn; có phương pháp, tác phong công tác khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm cao; gương mẫu trong công tác, sinh hoạt; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị. Kỷ luật tự giác, nghiêm minh; gương mẫu chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của Quân đội.
Chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt; lắng nghe, tôn trọng, học hỏi, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Có tinh thần đoàn kết quốc tế, mở rộng và tăng cường đối ngoại quốc phòng, góp phần tích cực bảo vệ môi trường hòa bình khu vực và thế giới.
Để tiếp tục tô thắm và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những người quân nhân trẻ chính là thế hệ tiếp nối, có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ "văn hóa" đặc biệt này. Theo Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị), gìn giữ văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ" vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.
Để phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ quân đội, cần tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu, trong đó có việc nâng cao nhận thức cho tuổi trẻ quân đội về văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ"; xây dựng môi trường văn hóa quân sự tích cực để tuổi trẻ quân đội có điều kiện gìn giữ nét văn hóa này; đồng thời tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tuổi trẻ toàn quân, nêu cao tinh thần tích cực, tự giác của thanh niên Quân đội trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện.../.