Thời sự

Tọa đàm "Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"

Để có Nhà nước pháp quyền trên thực tế, tinh thần pháp trị cần phải được thẩm thấu trong tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân. Đó là xã hội pháp quyền, chính quyền pháp quyền, tổ chức pháp quyền, công dân pháp quyền.

Quang cảnh Tọa đàm. 
Ảnh: Diệp Trương - TTXVN

Sáng 21/8, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức Tọa đàm "Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Tạo cách tiếp cận mới về Nhà nước pháp quyền

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, vấn đề Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhiều lần được Đảng đề cập trong các văn kiện khác nhau. Đến tháng 11/2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên Đảng ta đã có một Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 27-NQ/TW) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ngay sau đó, Chính phủ có Nghị quyết số 77/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27. Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của Bộ để triển khai thực hiện Nghị quyết, xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm, 5 nhóm giải pháp chủ yếu.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại Tọa đàm. 
Ảnh: Diệp Trương - TTXVN

Theo đó, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định là giải pháp để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước đã được Nghị quyết Trung ương xác định đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng), năm 2045 (100 năm thành lập nước) và xây dựng nước Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

"Đây không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà cần phải có sự tham gia của mọi chủ thể trong xã hội với yêu cầu, năm 2030, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi tổ chức, cá nhân và hoàn thành các mục tiêu tổng quát đã được Nghị quyết xác định", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, để có Nhà nước pháp quyền trên thực tế, tinh thần pháp trị cần phải được thẩm thấu trong tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân. Đó là xã hội pháp quyền, chính quyền pháp quyền, tổ chức pháp quyền, công dân pháp quyền; từ đó, đặt ra yêu cầu lan tỏa tinh thần, tư tưởng Nhà nước pháp quyền đến mọi người dân Việt Nam để cùng hệ thống chính trị xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền với các mục tiêu, nhiệm vụ như đã được xác định tại Nghị quyết 27.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 27, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó chú trọng làm rõ ý nghĩa của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền để từng người dân nhận thức được giá trị của pháp luật; yêu cầu của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả trong việc bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng trong đời sống xã hội và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; từ đó, người dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

"Cần tạo cách tiếp cận mới của công chúng về Nhà nước pháp quyền theo hướng, đây không phải là vấn đề lý luận khoa học, chính trị pháp lý khô cứng, khó tiếp cận mà là vấn đề thiết thực, gắn liền với đời sống hằng ngày và mưu cầu hạnh phúc, phát triển, thành đạt của mỗi công dân Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, làm tốt công tác truyền thông theo định hướng là tiền đề quan trọng để góp phần thực hiện được yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội Việt Nam như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu tại bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh": "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; có nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân".

Đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên hết

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, để xây dựng chủ nghĩa xã hội cần xác định ba trụ cột cốt lõi, đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Tọa đàm.
Ảnh: Diệp Trương - TTXVN

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", "dân là chủ", thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân", thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

"Vì vậy, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đảm bảo thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phải hoàn thiện cơ chế hữu hiệu để nhân dân thực sự thực hiện quyền làm chủ của mình, hoàn thiện, cụ thể hóa phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, qua giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; đồng thời, góp phần tiếp tục thể hóa và cụ thể hóa cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường; ở trong nước, thời cơ, thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen nhau, với lý luận về đường lối đổi mới, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và từng bước hiện thực hóa đã mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đóng góp những ý kiến mang tính nghiên cứu, học thuật về Nhà nước pháp quyền; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.../.

Diệp Trương

Xem thêm