Thời sự

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Hưng Yên đạt cao nhất trong 12 năm trở lại đây

Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu năm 2023 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh (GRDP) tăng 9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%...

Diễn ra từ ngày 8 - 9/12, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVII đã xem xét và biểu quyết thông qua 40 nghị quyết về nhân sự, cơ chế, chính sách; kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn; chủ trương đầu tư các dự án và một số nội dung quan trọng khác. Đây là những nghị quyết có ý nghĩa quan trọng tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện.

Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản phát biểu. Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN

Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản nhấn mạnh, để thực hiện tốt các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua, các cấp, ngành, địa phương cần cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch và đề ra những giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng quán triệt, triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, đầu tư và ngân sách nhà nước năm 2023; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đồng thời, các cấp, ngành chủ động cụ thể hóa thực hiện quy hoạch tỉnh; tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh - xã hội; xây dựng và triển khai kế hoạch giảm nghèo bền vững.

Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, tỉnh Hưng Yên đã chuyển nhanh, thành công sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, khẩn trương mở cửa lại nền kinh tế, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội với các giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Kinh tế - xã hội ổn định, phục hồi và phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh ước đạt 13,4%, đây là mức tăng cao nhất trong 12 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 phải đối mặt với không ít khó khăn, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn phát biểu. Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN

Tại Kỳ họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn nhấn mạnh các nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, UBND tỉnh Hưng Yên đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát giá cả, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện vững chắc môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành Công nghiệp và ngành Thương mại; rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tập trung khai thác tốt các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách năm 2023; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.

HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVII đã xem xét và biểu quyết thông qua 40 nghị quyết. Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN

Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu năm 2023 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh (GRDP) tăng 9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 10,5% (trong đó xây dựng tăng: 20%); thương mại, dịch vụ tăng 9%; nông nghiệp, thủy sản tăng 2,2%./.

Đỗ Huyền

Xem thêm