Thời sự

Hà Nam: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

Hà Nam

Các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam đã biểu quyết thông qua 46 nghị quyết, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra trong năm 2023.

(TTXVN) Sau 2,5 ngày làm việc, chiều 9/12, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX đã bế mạc.

Quang cảnh trong một khu công nghiệp tại Hà Nam. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Tại kỳ họp, với sự nhất trí, thống nhất cao, các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam đã biểu quyết thông qua 46 nghị quyết. Nội dung các nghị quyết đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là căn cứ, là cơ sở pháp lý quan trọng để UBND tỉnh, các cấp, các ngành hữu quan chủ động huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy; kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm phát triển sản xuất - kinh doanh trong điều kiện bình thường mới; thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

UBND tỉnh khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã được thông qua; tập trung rà soát, phân tích, đánh giá làm rõ những thuận lợi, khó khăn của từng ngành, từng lĩnh vực trong năm 2023. Đặc biệt là những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; những vướng mắc trong thủ tục thực hiện các dự án đầu tư và bảo đảm nguồn vốn cho các dự án đầu tư công đã được cân đối trong kế hoạch; thủ tục đầu tư các khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại du lịch, du lịch nghỉ dưỡng; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ đọng xây dựng nông thôn mới; những khó khăn trong việc tăng thu ngân sách; trong công tác giải phóng mặt bằng; trong việc duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp; bám sát các Bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến, bảo đảm hoàn thiện thủ tục sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch các Khu Công nghiệp và Đề án xây dựng Khu công nghệ cao để triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; tiếp tục thu hút đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia gắn với các công trình phúc lợi xã hội; tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở ổn định, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và với tỉnh Hà Nam.

Cùng với phát triển kinh tế, các cấp, ngành, địa phương chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu bảo đảm phát triển bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ… bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, đô thị...

Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn thư của công dân và những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri và nhân dân./

Thanh Tuấn

Xem thêm