Thời sự

Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng kịch bản quản trị rủi ro trong năm 2023

TP. Hồ Chí Minh

UBND Thành phố xác định “thước đo” là làm sao khơi thông nguồn vốn, huy động được đầu tư xã hội đạt mục tiêu 35%, đẩy nhanh thực hiện các chỉ tiêu đầu tư công đạt trên 90%.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

(TTXVN) Chiều 8/12, Kỳ họp thứ 8, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục chương trình chất vấn, trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND Thành phố về một số vấn đề mà đại biểu HĐND và cử tri Thành phố quan tâm.

Phát biểu tại phiên chất vấn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 của Thành phố là những điểm sáng bao trùm với kết quả phục hồi hơn dự kiến. Thành phố kiểm soát được dịch bệnh, kết quả tăng trưởng và thu ngân sách cao vượt kế hoạch đề ra; hoạt động của doanh nghiệp và người dân được phục hồi sống động.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND Thành phố thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một “điểm xám” đó là chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư; chưa tháo gỡ được những khó khăn của doanh nghiệp, người dân, dẫn đến còn những tồn đọng lớn, nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để; nguồn lực phát triển chưa thông suốt. Vừa qua, tình hình tín dụng trái phiếu doanh nghiệp nhiều biến động; nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn về đơn hàng, nguồn vốn; thị trường bất động sản gặp khó khăn; tâm lý e dè, ngại trách nhiệm của cơ quan hành chính, cán bộ, công chức, viên chức xuất hiện đã làm đình trệ công việc.

Vì vậy, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, năng động, sáng tạo hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thử thách. UBND Thành phố sẽ tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình và kịp thời xử lý cũng như kiến nghị xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh.

Trước mắt, tập trung cao độ để giải ngân đầu tư công đạt trên 80%; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong khả năng của Thành phố để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn; triển khai kế hoạch bình ổn giá, kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với nhóm công nhân mất việc, giảm thu nhập, các nhóm yếu thế; đồng thời sẵn sàng các kịch bản quản trị rủi ro trong điều kiện khó khăn sẽ còn tiếp diễn trong năm 2023.

Theo ông Phan Văn Mãi, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra (7,5-8%), trong năm 2023, từng sở, ngành, quận, huyện, mỗi cán bộ, công chức, viên chức tập trung nắm chắc tình hình, làm tốt nhiệm vụ của mình và phối hợp giải quyết công việc hành chính, đảm bảo thông suốt, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, nâng cao năng lực hấp thụ vốn. UBND Thành phố xác định “thước đo” là làm sao khơi thông nguồn vốn, huy động được đầu tư xã hội đạt mục tiêu 35%, đẩy nhanh thực hiện các chỉ tiêu đầu tư công đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh gắn với triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ gắn với kế hoạch thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; kế hoạch kỷ 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025); đồng thời, rà soát lại các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI để cụ thể hóa, phân bổ, triển khai công việc trong năm 2023 và tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm…

Đại biểu Trần Quang Vinh chất vấn Chủ tịch UBND Thành phố với vấn đề tuyên truyền cho nhân dân về xây dựng chính quyền đô thị. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Các đại biểu HĐND Thành phố đã đặt câu hỏi chất vấn đối với Chủ tịch UBND Thành phố về công tác chỉ đạo và tiến độ thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ; triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI; triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố; công tác xây dựng chính quyền đô thị; tiến độ thực hiện các dự án Vành đai 2, Vành đai 3, cũng như việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án…

Các đại biểu HĐND Thành phố đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Công Thương Thành phố; Chủ tịch UBND Quận 6 về các vấn đề cung ứng hàng hóa trong dịp Tết; kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng; công tác xóa đói giảm nghèo bền vững…

Kết luận phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố cho rằng, tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND đã thể hiện vai trò của mình, nắm chắc thực tiễn với tinh thần xây dựng cao, tiến hành chất vấn bằng các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục. Kết quả của phiên chất vấn gợi mở bổ sung các giải pháp để UBND Thành phố, các sở, ngành có quyết sách hợp lý hơn trong quá trình quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Lệ ghi nhận, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch UBND Quận 6, với ý thức trách nhiệm cao, đã trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp và giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nhận trách nhiệm những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành và lĩnh vực phụ trách, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Cũng trong chiều 8/12, Kỳ họp thứ 8, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiến hành bầu bổ sung hai ủy viên UBND Thành phố là: Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội./.

Xuân Khu

Xem thêm