Từ năm 2014 - 2023, Việt Nam đã tổ chức 21 khóa huấn luyện cho gần 1.500 lượt quân nhân, bao gồm cán bộ, nhân viên của 5 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2, hai thê đội đội Công binh và các sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân.
Chiều 27/8, tại Hà Nội, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổ phó Tổ công tác liên ngành, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chủ trì Hội nghị.
Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, sau 10 năm tổ chức huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xác định tốt đối tượng, nội dung huấn luyện; bám sát hướng dẫn, yêu cầu của Liên hợp quốc gắn với tuân thủ quy trình tiêu chuẩn của Quân đội nhân dân Việt Nam để xây dựng các chương trình huấn luyện khung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ năm 2014 - 2023, Việt Nam đã tổ chức 21 khóa huấn luyện cho gần 1.500 lượt quân nhân, bao gồm cán bộ, nhân viên của 5 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2, hai thê đội đội Công binh và các sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân.
Trải qua 10 năm hình thành, phát triển lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bên cạnh việc xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã phối hợp xây dựng được một đội ngũ cán bộ làm công tác huấn luyện có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các cán bộ làm công tác huấn luyện chủ yếu là những cá nhân được lựa chọn có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Ngoài ra hiện nay, đội ngũ giảng viên cũng được huy động từ nhiều nguồn khác nhau căn cứ trên nội dung huấn luyện.
Trước khi được thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ theo hình thức cá nhân, thông thường các cán bộ Việt Nam được tham gia hai khóa huấn luyện: Huấn luyện tiền triển khai hình thức cá nhân và Huấn luyện chuyên sâu gìn giữ hòa bình (như Khóa Sĩ quan hậu cần Liên hợp quốc, Khóa Sĩ quan tham mưu Liên hợp quốc, Khóa Chuyên gia quân sự phái bộ, Khóa tập huấn cho các nhà hoạch định kế hoạch quốc gia cao cấp về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...). Đáng chú ý, đối với các khóa huấn luyện tiền triển khai cho hình thức cá nhân, đến nay, Việt Nam đã tự chủ hoàn toàn về nội dung, chương trình và nguồn giảng viên.
Đối với hình thức đơn vị, trước khi được thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ, hai đơn vị là đội Công binh và Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia nhiều khóa huấn luyện như: Huấn luyện chung về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật; Huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ ngành (theo các chuyên ngành Công binh, Quân y, Thông tin liên lạc, Hậu cần kỹ thuật, Bảo vệ lực lượng); Huấn luyện tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh gìn giữ hòa bình; Huấn luyện tiền triển khai theo hình thức đơn vị; Huấn luyện bổ sung các nội dung theo yêu cầu mới của Liên hợp quốc mà các chương trình huấn luyện của ta chưa được cập nhật, điều chỉnh.
Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức chức thành công hai cuộc diễn tập quốc tế có quy mô lớn, tính chất phức tạp, gồm: Diễn tập thực địa cuối chu kỳ Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì; Diễn tập song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (VINBAX).
Ngoài ra, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức thành công một khóa vận hành trang bị Công binh hạng nặng vào năm 2019 và một khóa giảng viên vận hành trang bị Công binh hạng nặng năm 2020 trong khuôn khổ Chương trình Đối tác ba bên của Liên hợp quốc (TPP) với Nhật Bản.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong 10 năm qua, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn đánh giá, công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cơ bản đạt chất lượng, hiệu quả, sát với thực tế địa bàn, góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, đặc thù, với yêu cầu ngày càng cao, trong khi cán bộ làm công tác huấn luyện, đào tạo chưa có nhiều kinh nghiệm. Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn giao Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, điều chỉnh lại toàn bộ các hệ thống chương trình huấn luyện khung theo yêu cầu của Liên hợp quốc; thường xuyên cập nhật các chương trình huấn luyện, yêu cầu mới của Liên hợp quốc để áp dụng vào chương trình huấn luyện cho các đối tượng của Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng lộ trình cho ít nhất một khóa huấn luyện chuyên sâu về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để sớm được Liên hợp quốc công nhận đạt chuẩn. Quá trình xây dựng các chương trình huấn luyện chuyên môn cần đảm bảo yêu cầu sát với thực tiễn loại hình đơn vị, biên chế về con người và trang bị, đúng đối tượng để có điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc và Bộ Quốc phòng.
Ghi nhận những thành tích trong thực hiện công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2024, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 22 cá nhân; Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 25 cá nhân; Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tặng Giấy khen cho 5 cá nhân./.