An sinh

Trang bị “lá chắn số” cho người dân nông thôn

Thái Bình

Với hơn 80% dân số sinh sống tại vùng nông thôn, tỉnh Thái Bình đang nỗ lực trang bị "lá chắn số" cho người dân ở khu vực này, đặc biệt là những người cao tuổi.

*Giúp người dân vượt qua “rào cản số”

Từ khi có điện thoại thông minh, cuộc sống của ông Trần Viết Tiện, 77 tuổi, trú tại thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà có nhiều thay đổi. Ông chia sẻ, trước đây, ông chỉ biết nghe, gọi, giờ con cháu hướng dẫn cách xem tin tức, xem video trên mạng. Ban đầu ông cũng lo ngại nhưng giờ thấy rất hữu ích. Tuy nhiên, cùng với những tiện ích ấy, ông Tiện bày tỏ sự lo lắng về những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng.

Còn chị Vũ Thị Hoa, huyện Kiến Xương chia sẻ, ngày 7/3/2025, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0389 180 595 xưng là nhân viên Điện lực huyện, thông báo chị chưa nộp tiền điện và yêu cầu chị cung cấp thông tin liên quan đến hóa đơn tiền điện đã nộp để đối chiếu. Do đã được cảnh báo về thủ đoạn, cách thức lừa đảo này với mục đích xâm nhập dữ liệu trong điện thoại để trục lợi nên chị Hoa lập tức tắt máy, liên lạc lại ngành Điện xác nhận thông tin và được biết đó là cuộc gọi mạo danh nhân viên Điện lực nhằm lừa đảo.

Chị chia sẻ, nếu không được trang bị thông tin, kiến thức về các thủ đoạn lừa đảo, rất có thể chị trở thành nạn nhân của chiêu trò này. Nhưng không phải người dân nào cũng đủ tỉnh táo và kiến thức để tránh lừa đảo như chị.

Nỗi lo của ông Tiện, chị Hoa không phải là cá biệt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, không gian mạng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, trở thành “rào cản” vô hình trong quá trình người dân tiếp cận với chuyển đổi số.

Các đối tượng lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi, không ngừng thay đổi phương thức để “bẫy” những người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là người dân nông thôn, người cao tuổi - những người vốn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng internet và mạng xã hội.

Để trang bị kiến thức, kỹ năng số cũng như cung cấp thông tin về an toàn thông tin mạng cho người dân, tỉnh Thái Bình đã và đang triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm bảo vệ người dân nông thôn khỏi những cạm bẫy trên không gian mạng.

Truyền thông về kỹ năng số, an toàn thông tin mạng và dịch vụ công trực tuyến cho người dân xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường, huyện Tiền Hải cho biết, xã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đầu tiên tại thôn Chí Cường với 9 thành viên, đồng thời triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với trên 70% người dân được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động, dịch vụ công trực tuyến.

Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp Công an xã đến từng nhà dân hướng dẫn cài đặt phần mềm VNeID và sử dụng định danh điện tử mức 1, 2; phối hợp với Văn phòng Đảng ủy xã hướng dẫn đảng viên sử dụng phần mềm ”Sổ tay đảng viên điện tử”.

Những thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng tích cực phối hợp với Đoàn thanh niên xã hướng dẫn người dân đăng ký, tạo tài khoản và sử dụng hệ thống dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Qua đó, giúp người dân người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận các dịch vụ, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ. Nhờ đó, xã Nam Cường đạt tiêu chí có 1 mô hình thôn thông minh và trở thành một trong những xã nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu của huyện Tiền Hải năm 2024.

*"Bình dân học vụ số" - Lá chắn bảo vệ người dân nông thôn

Đóng góp không nhỏ trong việc trang bị “lá chắn số” cho người dân nông thôn trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ tại Thái Bình là phong trào "Bình dân học vụ số" do Đoàn Thanh niên phát động.

Sự tham gia tích cực của đoàn viên, thanh niên trong các đội hình tình nguyện cũng là một trong những yếu tố then chốt góp phần nâng cao nhận thức về an toàn mạng cho người dân nông thôn. Họ không chỉ là những người truyền đạt kiến thức mà còn là cầu nối, người bạn đồng hành giúp người cao tuổi, người dân nông thôn vượt qua bỡ ngỡ ban đầu khi tiếp cận công nghệ cũng như nhận diện thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng.

Người dân xã Tiến Đức (Hưng Hà, Thái Bình) tra cứu thông tin trên ứng dụng Zalo miniapp “Công dân số tỉnh Thái Bình”.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN 

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình cho biết, phát huy vai trò tình nguyện, xung kích vì cộng đồng của thanh niên trong thực hiện phong trào chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, tuổi trẻ Thái Bình triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là phong trào “Bình dân học vụ số”.

Mục tiêu của phong trào nhằm hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, thiết bị thông minh, mạng xã hội, dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng sử dụng internet một cách văn minh, an toàn, tránh bị lừa đảo trên không gian mạng. Cùng với đó là cập nhật về các sàn thương mại điện tử, cách thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng ứng dụng số khác phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, tổ chức Đoàn Thanh niên đã ra mắt, tập huấn cho trên 700 đội hình thanh niên xung kích với hơn 15.000 đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh tham gia hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”.

Các đội hình này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa kiến thức số đến gần hơn với người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, giúp hình thành một cộng đồng thích ứng trong chuyển đổi số.  Kết quả, đến nay có trên 200.000 người dân từ thành thị đến nông thôn tại tỉnh Thái Bình được tiếp cận, tham gia lớp học, buổi tập huấn cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào.

Là một trong 200 người dân tham dự buổi tập huấn về kỹ năng số và an toàn thông tin mạng tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, bà Phạm Thị Thúy, thôn Dương Xá chia sẻ, những buổi sinh hoạt này không chỉ đơn thuần là việc hướng dẫn sử dụng công nghệ mà còn là cơ hội để người dân hiểu rõ hơn về thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi trên không gian mạng. Buổi tập huấn cung cấp kiến thức thực tế về các hình thức lừa đảo phổ biến như, cuộc gọi giả mạo cơ quan chức năng, tin nhắn giả mạo ngân hàng, trang web lừa đảo...

Người dân xã Tiến Đức (Hưng Hà, Thái Bình) tham dự buổi truyền thông về kỹ năng số, an toàn thông tin mạng và dịch vụ công trực tuyến.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN 

Người dân được hướng dẫn cách kiểm tra thông tin, bảo mật tài khoản cá nhân và báo cáo khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn. Những kiến thức này chính là "lá chắn" vững chắc nhất giúp người dân nông thôn như bà Thúy tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Để bảo vệ người dân nông thôn khỏi những cạm bẫy trên không gian mạng, các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể và Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn mạng dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng đối tượng. Qua đó từng bước tăng “sức đề kháng” và khả năng “miễn dịch” cho mỗi người dân nông thôn trước không gian mạng nhiều tiện ích song cũng nhiều cạm bẫy, hướng đến xây dựng không gian mạng và xã hội số an toàn, lành mạnh./.

Thu Hoài

Xem thêm