Nhằm tăng cường kết nối giữa chính quyền và người dân trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, từ tháng 5 - 9/2025, tỉnh Thái Bình triển khai thí điểm ứng dụng Zalo miniapp “Công dân số tỉnh Thái Bình”.
Bà Phạm Thúy Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học, công nghệ và truyền thông (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình) cho biết, ứng dụng Zalo miniapp “Công dân số tỉnh Thái Bình” là đề tài cấp Nhà nước do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện. Với ứng dụng Zalo miniapp - nền tảng số tích hợp đa chức năng, người dân không cần cài thêm app mới, giao diện đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với cả người lớn tuổi hay người ít tiếp xúc với công nghệ; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin và dịch vụ công nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả.
Với 16 tính năng, ứng dụng “Công dân số tỉnh Thái Bình” giúp người dân cập nhật tin tức chính thống, thông báo kịp thời các chủ trương, chính sách của tỉnh; tra cứu văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo điều hành của các cấp; tra cứu dịch vụ công trực tuyến, theo dõi tiến độ xử lý mà không cần đến trực tiếp cơ quan Nhà nước; truy cập cổng thông tin điện tử tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, ứng dụng còn tích hợp phản ánh kiến nghị, tra cứu thông tin quy hoạch, hỗ trợ người dân trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Hiện ứng dụng này được tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ người dân tra cứu thông tin, biểu mẫu, quy trình khoảng 1.700 thủ tục hiện hành thông qua “Trợ lý ảo giải quyết thủ tục hành chính”.
Chị Hoàng Lan Phương (phường Quang Trung, thành phố Thái Bình) cho biết, dù mới được triển khai nhưng ứng dụng Zalo miniapp “Công dân số tỉnh Thái Bình” với nhiều tiện ích đã giúp chị rất nhiều trong việc tiếp cận thông tin chính thống, đặc biệt tra cứu thủ tục hành chính thông qua trợ lý ảo. Hơn nữa với miniapp này, chị không cần tải thêm ứng dụng khác mà sử dụng ngay trên nền tảng công nghệ zalo hiện hữu.
Tính năng dịch vụ công trên ứng dụng giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính ngay trên điện thoại di động, mọi lúc mọi nơi như: Nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu tình trạng hồ sơ, thanh toán lệ phí, phí dịch vụ trực tuyến, sử dụng dịch vụ công liên thông (như khai sinh, khai tử và nhiều nhóm dịch vụ thiết yếu khác). Ứng dụng còn phân loại các nhóm dịch vụ theo nhu cầu thực tiễn như cư trú và giấy tờ tùy thân, học tập, việc làm, sức khỏe, hôn nhân và gia đình, nhà đất, phương tiện giao thông, người thân, hưu trí...
Đối với doanh nghiệp, tính năng dịch vụ công có các nhóm dịch vụ như khởi sự kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tài chính doanh nghiệp; lao động và bảo hiểm xã hội; điện lực, đất đai, xây dựng; thương mại, quảng cáo; sở hữu trí tuệ, đăng ký tài sản; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; đấu thầu, mua sắm công; tái cấu trúc doanh nghiệp; tạm dừng, chấm dứt hoạt động; giải quyết tranh chấp hợp đồng, thủ tục pháp lý liên quan.
Ngoài ra, ứng dụng Zalo miniapp “Công dân số tỉnh Thái Bình” còn cập nhật thông tin, dịch vụ, liên kết từ Trung ương, các bộ, ngành và địa phương, cung cấp thông tin cho người dân kịp thời, nhanh chóng, chính xác.
Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tập huấn cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, sớm đưa ứng dụng Zalo miniapp “Công dân số tỉnh Thái Bình” vào cuộc sống. Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm phục vụ, “Công dân số Thái Bình” là cầu nối số hóa quan trọng, góp phần xây dựng một chính quyền thân thiện, hiện đại và hiệu quả./.
- Từ khóa:
- Thái Bình
- chuyển đổi số
- Công dân số