Chính phủ hành động

Tinh gọn bộ máy: Để đội ngũ cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ sau hợp nhất tỉnh

Hà Giang

Dự kiến sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh sẽ giảm hơn 18.440 biên chế, cấp xã sẽ giảm hơn 110.780 biên chế.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Các địa phương “có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Quá trình xây dựng Đề án được các địa phương trong diện hợp nhất phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm tiến độ theo quy định”. Đây là nhận định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại cuộc họp cho ý kiến về tình hình, tiến độ thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp, do Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì sáng hôm qua (3/5).

96% người dân đồng thuận về các đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân về các đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã với tỷ lệ đồng thuận trung bình đạt khoảng 96%. HĐND các cấp trong cả nước đã ban hành Nghị quyết thông qua các Đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.

Trên cơ sở tổng hợp đề án của các địa phương cho thấy, về số lượng đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm từ 10.035 xuống còn hơn 3.320 đơn vị (tương đương  66,91%). Trong đó, địa phương có tỷ lệ giảm cao nhất là 76,05%, địa phương có tỷ lệ giảm thấp nhất là 60%.

Về tổ chức đảng ở địa phương, dự kiến cấp tỉnh giảm 29 đảng bộ tỉnh, thành phố (từ 63 xuống còn 34 đảng bộ tỉnh, thành phố); giảm hơn 260 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh. Kết thúc hoạt động của 694 đảng bộ huyện và hơn 4.160 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp huyện. Thành lập mới hơn 3.320 đảng bộ xã (2.595 xã, 713 phường, đặc khu), lập tối đa 10.660 cơ quan, đơn vị trực thuộc đảng ủy cấp xã.

Dự kiến sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh sẽ giảm hơn 18.440 biên chế so với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2022. Cấp xã (xã, phường, đặc khu) sẽ giảm hơn 110.780 biên chế so với tổng số biên chế cấp huyện và cấp xã giao năm 2022 do sắp xếp vị trí việc làm, tinh giản biên chế, nghỉ chế độ theo quy định. Kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước.

Đánh giá về Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho rằng bước đầu khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và bộ máy “hình chóp ngược”, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể sẽ gần dân, sát dân hơn. Theo đó, tổ chức bộ máy của khối này dự kiến giảm 90 đầu mối cấp vụ ở Trung ương; 344 đầu mối cấp sở ở tỉnh; 1.235 đầu mối cấp phòng ở tỉnh; đối với các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, tinh gọn 215/284 đầu mối bên trong; điều chuyển hơn 22.350 biên chế từ cấp huyện về công tác tại cấp xã, góp phần thực hiện mô hình hành chính mới và chủ trương hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư.

Thời gian qua, cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ sớm, từ xa; công tác quán triệt, tuyên truyền được tổ chức triển khai sâu rộng, nhất quán, giúp nâng cao nhận thức và thống nhất ý chí trong hệ thống chính trị. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Trong số những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt lưu ý việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng và chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ cấp tỉnh bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu theo Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, làm tốt việc xây dựng văn kiện và nhân sự ở những nơi sáp nhập, hợp nhất, làm tốt công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp; cân đối ngân sách, bố trí kinh phí, kịp thời thực hiện chi trả theo chế độ, chính sách về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.

Bố trí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức

Để chuẩn bị cho việc hợp nhất các tỉnh, nhiều địa phương đã lên phương án bố trí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức về làm việc tại trung tâm hành chính của tỉnh mới. 

Sau khi hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, dự kiến sẽ có một số lượng lớn cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của tỉnh Hà Giang chuyển về công tác, sinh hoạt tại trung tâm hành chính tỉnh Tuyên Quang. Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga cho biết, cùng với việc khẩn trương hoàn thiện Đề án hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh, việc bố trí, sắp xếp chỗ làm việc, chỗ ở cho lãnh đạo, công chức, viên chức tỉnh Hà Giang về công tác tại tỉnh Tuyên Quang cũng rất quan trọng và phải được thực hiện chu đáo.

Bên cạnh việc rà soát, thống kê số lượng cán bộ, công chức, viên chức về làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh sau hợp nhất để chủ động phương án sắp xếp, bố trí phù hợp, giúp đội ngũ cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Tuyên Quang đang hoàn thiện các phương án bố trí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ làm việc và đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh Hà Giang về làm việc.

Theo kế hoạch, Tuyên Quang đã lựa chọn các địa điểm dự kiến bố trí làm nơi ở cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hà Giang như: Nhà khách Kim Bình, Nhà khách Liên đoàn Lao động tỉnh, trường Trung học phổ thông Chuyên Tuyên Quang cũ; ký túc xá trường Chính trị tỉnh, Trung đoàn 247, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang... và một số địa điểm khác trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. 

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cũng đã lên phương án bố trí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ trên địa bàn thành phố Đà Lạt khi dự kiến đón thêm khoảng 1.000 cán bộ sau hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông. Ngoài sử dụng các trụ sở làm việc hiện có, Sở Tài chính đề xuất tận dụng một số cơ sở khác để bố trí hoạt động được ngay, hạn chế việc sửa chữa lớn kéo dài. Cụ thể, trụ sở làm việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục sử dụng tại số 2 Trần Hưng Đạo (thành phố Đà Lạt) và bố trí thêm trụ sở của Sở Giao thông vận tải cũ; trụ sở làm việc của UBND tỉnh Lâm Đồng hiện hữu và bổ sung trụ sở số 4 Trần Hưng Đạo (ngay kế bên UBND tỉnh, hiện là trụ sở của các hội, hiệp hội trực thuộc tỉnh).

Phương án sắp xếp chỗ ở, bố trí xe ô tô, máy móc, thiết bị làm việc cũng được Sở này xây dựng dựa trên hệ thống cơ sở vật chất và tài sản hiện có. Hiện có khoảng 2.200 cán bộ, công chức, viên chức của 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận, sau khi giảm 20%, số lượng công chức còn khoảng 1.760 người, trong đó có khoảng 880 người có nhu cầu về chỗ ở.

Theo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quá trình sắp xếp và những kết quả bước đầu đã góp phần bảo đảm việc thực hiện thành công các mục tiêu: Hoàn thiện cơ bản tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành; tinh gọn bộ máy và tiết kiệm ngân sách; tạo không gian mới để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh… của đất nước; tạo đột phá trong quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao vị thế quốc gia, đẩy mạnh thu hút đầu tư, công nghệ cao vào Việt Nam./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm