Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương thông tin, tỉnh tập trung bàn các giải pháp tháo gỡ, chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu xóa nhà tạm.
Các tỉnh Lai Châu, Hà Nam đang đẩy tiến độ sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát để giúp bà con an cư, lạc nghiệp.
*Lai Châu huy động trên 100.000 ngày công hỗ trợ người dân
Đến nay, tỉnh Lai Châu thực hiện được 6.157 căn, đạt 86,3% (trong đó có 2.960 căn đã hoàn thành, có 3.197 căn đang triển khai), còn l977 căn chưa triển khai.
Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 25/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cho biết, tỉnh huy động nhiều nguồn lực, kinh phí và trên 100.000 ngày công lao động hỗ trợ người dân.
Tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, quyết định phân bổ kinh phí, hướng dẫn mẫu nhà, hồ sơ tạm ứng, thanh toán, quyết toán... đảm bảo chính quyền cơ sở và người dân dễ thực hiện, tránh trục lợi chính sách.
Tổng nhu cầu xóa nhà tạm của Lai Châu là 7.134 căn (5.911 căn xây mới, 1.223 căn sửa chữa). Với sự hỗ trợ kinh phí từ Chính phủ, Bộ Công an, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân, đến nay, tỉnh thực hiện được 6.157 căn, đạt 86,3% (trong đó 2.960 căn hoàn thành, 3.197 căn đang triển khai), còn lại 977 căn chưa triển khai. Trong đó, số nhà chưa có kinh phí để thực hiện là 793 căn (518 căn xây mới, 275 căn sửa chữa), kinh phí còn thiếu 39,33 tỷ đồng.
Với đặc thù là tỉnh biên giới, dân số gần 500.000 người, trên 87% là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm 19,46% nên trong quá trình triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Lai Châu gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Số lượng nhà tạm, nhà dột nát khá nhiều, trên 7.000 căn, chiếm hơn 2% cả nước, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nên việc rà soát đối tượng, triển khai xây dựng gặp nhiều khó khăn. Số đối tượng triển khai lớn, diễn ra đồng loạt nên gây áp lực đến nguồn cung ứng vật tư, vật liệu, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề thực hiện... Do đa số các hộ ở xa trung tâm, tại nơi núi cao, đường sá hiểm trở, phải vận chuyển vận liệu bằng xe máy, nhiều hộ phải đóng vật liệu như cát, đá, gạch vào từng bao để gùi, khiêng bộ nên rất vất vả, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình. Đặc biệt, Lai Châu và một số địa phương vùng Tây Bắc sắp vào mùa mưa nên rất khó khăn trong khâu vận chuyển vật liệu và công tác xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương thông tin, tỉnh tập trung bàn các giải pháp tháo gỡ, chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu xóa nhà tạm. Đã có nhiều cách làm hay và một số giải pháp trọng tâm được triển khai như: Thành lập các tổ tiền phương do các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh trực tiếp nắm chỉ đạo tại cơ sở; huy động lực lượng Công an tỉnh và một số lực lượng vũ trang tham gia. Chính quyền một số xã đứng ra làm việc với đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng, tạm ứng vật liệu cho người dân; một số địa phương đứng ra thuê tổ thợ, doanh nghiệp, hợp tác xã xây nhà cho người dân theo hình thức chìa khóa trao tay; động viên gia đình tự làm hoặc đổi công giữa các gia đình…
Lai Châu kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh kinh phí còn thiếu là 39,33 tỷ đồng trước ngày 15/5 để phân bổ xuống cơ sở, phấn đấu hoàn thành toàn bộ Chương trình trước ngày 25/6 (trước thời điểm không tổ chức chính quyền cấp huyện).
*Hà Nam đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước ngày 30/6
Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Hà Nam đang tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6.
Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”; tăng cường truyền thông tạo sự đồng thuận trong xã hội, đặc biệt trong huy động nguồn lực tài chính và nhân công hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, giải ngân kịp thời đối với nguồn lực được hỗ trợ, huy động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí và tiêu cực; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tranh thủ mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Tỉnh thực hiện mức hỗ trợ 100 triệu đồng/căn xây mới, 30 triệu đồng/căn sửa chữa (ngoài mức hỗ hợ 60 triệu đồng/căn nhà xây mới theo quy định, tỉnh Hà Nam hỗ trợ cho các hộ có nhu cầu xây mới 40 triệu đồng/căn từ nguồn ngân sách tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 20/3/2025 của HĐND tỉnh về quy định kinh phí để xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ, hộ nghèo, hộ cận nghèo để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 tỉnh Hà Nam).
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nam, kết quả rà soát nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát, tính từ tháng 8/2024 đến 31/12/2025, ở tỉnh có 607 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ cần hỗ trợ về nhà ở, trong đó, xây mới 331 nhà, sửa chữa 276 nhà.
Đến hết tháng 4/2025, toàn tỉnh khởi công xây mới, sửa chữa 498 nhà, đạt 82% so với tổng số hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang khẩn trương triển khai xây mới, sửa chữa số nhà còn lại, đảm bảo mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6./.
- Từ khóa:
- Nguồn lực
- xóa nhà tạm
- nhà dột nát