An sinh

Hỗ trợ người nghèo “an cư” nhờ vốn vay chính sách

Đắk Lắk

Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28 của Chính phủ đang từng bước hiện thực hóa ước mơ “an cư” cho hàng nghìn hộ nghèo...

Đắk Lắk là một địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đặc biệt là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đảm bảo chỗ ở ổn định, an toàn cho các hộ nghèo là nhu cầu bức thiết, tạo tiền đề để người dân an tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã tích cực triển khai cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về "chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025", góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

* Niềm vui "an cư"

Gia đình anh Y Dani Hđơk (đồng bào Ê Đê ở buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) là một hộ nghèo từng sống trong ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, chật hẹp, hư hỏng nặng. Trước đó, gia đình anh đã được hỗ trợ nhà theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTG, ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định về "một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn". Tuy nhiên qua nhiều năm sử dụng, căn nhà gỗ nhỏ đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo sinh hoạt.

Nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh Y Dani Hđơk (ở giữa, người đồng bào Ê Đê ở buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) đã xây dựng được căn nhà mới kiên cố. 
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Cuối năm 2023, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Ana giải ngân cho vay 40 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của người thân và các nguồn kinh phí khác, gia đình anh đã xây dựng căn nhà mới kiên cố, diện tích hơn 70m2 với hai phòng ngủ. “Nếu không có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách, tôi không có khả năng xây được ngôi nhà vững chãi như vậy. Tôi sẽ cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế gia đình”, anh Y Dani xúc động chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh khó khăn, bà Phạm Thị Minh - một phụ nữ nghèo quê Phú Thọ đã đưa con trai nhỏ vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 2001 sau khi chồng qua đời. Không đất sản xuất, hai mẹ con bà sống trong một căn nhà gỗ tạm bợ tại thôn Thống Nhất (xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn). Đến năm 2024, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn cho vay thêm 40 triệu đồng, bà Minh xây dựng căn nhà gần 60m2, tổng kinh phí 175 triệu đồng; phần còn lại do bà vay mượn thêm.

Giờ đây, cuộc sống hai mẹ con bà Minh đã đổi khác. “Nếu không có sự hỗ trợ của các ban, ngành, Đảng, Nhà nước thì không biết đến bao giờ tôi mới được ở trong căn nhà xây kiên cố. Chương trình rất ý nghĩa, giúp người dân nghèo như tôi yên tâm làm ăn. Mong sao chương trình sẽ lan tỏa và có nhiều người nghèo, hộ khó khăn được thụ hưởng chính sách này”, bà Minh tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Tĩnh, Trưởng thôn Thống Nhất, năm 2024, thôn có 5 hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo ra niềm vui và sự phấn khởi lớn trong cộng đồng dân cư. “Hiện nay, thôn còn khoảng 60 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Mong rằng chương trình tiếp tục được mở rộng để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn”, bà Nguyễn Thị Tĩnh cho biết.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn thăm hỏi hộ dân vay xây dựng nhà ở. 
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Krông Ana là xã biên giới của huyện Buôn Đôn với địa hình rộng, dân cư thưa thớt, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Krông Ana Y Blum Knul cho biết, việc Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với chính quyền địa phương triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 28 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực.

“Từ năm 2024 đến nay, xã đã có 24 hộ nghèo được vay vốn xây dựng hoặc sửa chữa nhà; 100% hộ được giải ngân kịp thời. Nhờ đó, người dân yên tâm và thêm tin vào Đảng, Nhà nước”, ông Y Blum Knul thông tin.

* Hiệu quả rõ nét từ chính sách tín dụng ưu đãi

Hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo tại Đắk Lắk đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Nghị định 28 của Chính phủ, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo ông Thượng Văn Điệp, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk, đến nay, toàn tỉnh có 2.010 khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn từ chương trình, với tổng dư nợ đạt hơn 103,6 tỷ đồng. Trong đó có 757 hộ vay xây dựng nhà ở (tổng dư nợ 30 tỷ đồng).

“Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 28 có ý nghĩa thiết thực trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là chính sách an sinh, mà còn là cú hích tạo động lực phát triển sản xuất, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần xây dựng nông thôn mới và ổn định an sinh xã hội tại địa phương”, ông Thượng Văn Điệp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, do Nghị định 28 ban đầu được thực hiện trong khuôn khổ Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (đã kết thúc cuối năm 2023), nên hiện nay Chính phủ đang xem xét bố trí nguồn lực mới cho giai đoạn tiếp theo. Trước tình hình đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tiếp tục cho vay hỗ trợ xây nhà trong cuối năm 2024 và đầu năm 2025, đảm bảo chương trình không bị gián đoạn. Năm 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk dự kiến cho khoảng 1.000 hộ nghèo vay 40 tỷ đồng để làm nhà. 

Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28 của Chính phủ đang từng bước hiện thực hóa ước mơ “an cư” cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mở ra cơ hội để người dân có thêm động lực làm ăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến đời sống người dân vùng khó khăn./.


Nguyên Dung

Xem thêm