Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, Lai Châu có 73.668 lượt hộ nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo; tạo việc làm mới cho 28.863 người lao động.
Quán triệt, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lai Châu luôn thực hiện tốt các chương trình cho vay và là cầu nối đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến tay hộ nghèo, đối tượng chính sách. Từ đó, giúp các hộ dân có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
*Thoát nghèo nhờ vốn chính sách
Cuối năm 2022, anh Khuất Đình Vinh (bản Muông, xã Mường Cang, huyện Than Uyên) vay 70 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mô hình chăn nuôi. Khi có vốn, anh bắt tay xây dựng chuồng trại để nuôi lợn giống, lợn thịt, đồng thời tìm hiểu cách chăn nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ đó, đàn lợn của gia đình anh phát triển tốt. Hiện, anh duy trì mô hình nuôi lợn với hơn 50 con và đã trả nợ ngân hàng được 30 triệu đồng.
Anh Khuất Đình Vinh cho biết, để có nguồn vốn đầu tư chăn nuôi lợn, anh nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện về hồ sơ và thủ tục vay, giải ngân nhanh cho gia đình anh vay 70 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, anh mạnh dạn đầu tư chuồng trại và nuôi lợn nên kinh tế gia đình dần ổn định. Anh Vinh mong muốn được ngân hàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho vay thêm để có thể mở rộng chăn nuôi thời gian tới.
Tương tự, anh Giàng A Dế (bản Can Tỷ, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ) trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương nhờ vào khoản vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh cho người dân vùng khó khăn. Chia sẻ về câu chuyện thoát nghèo của gia đình, anh Dế cho biết: “Tôi dùng tiền để nuôi dê sinh sản kết hợp trồng ngô và cây dược liệu. Có vốn, kỹ thuật do cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, tôi từng bước cải tạo đất đồi, làm chuồng trại kiên cố. Giờ nhà tôi đã có hơn 150 con dê và 2ha cây đương quy, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 60 triệu đồng”.
Với nhiệm vụ chính là cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác thông qua phương thức ủy thác từng phần; quản lý, bảo toàn nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu luôn bám sát các chỉ thị của Trung ương, sự chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương về tín dụng chính sách xã hội để phân công các Phòng giao dịch tổ chức ký kết chương trình ủy thác với tổ chức chính trị xã hội.
Các phòng giao dịch phối hợp các địa phương thành lập mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản, khu phố và hệ thống Điểm giao dịch tại xã, thị trấn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, thực hiện đầy đủ nội dung được ủy thác nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Cang (huyện Than Uyên) Lò Thị Thơm cho biết, Hội thường xuyên phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện truyền tải, giới thiệu chương trình vay vốn tín dụng đến hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình chính sách; tuyên truyền các hộ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào mô hình sản xuất chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho quê hương.
* Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn chính sách
Tại huyện vùng cao Than Uyên, cùng với việc tư vấn, hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn, các Phòng Giao dịch của Ngân hàng Chính sách huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tư vấn, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động cho vay để tạo ra mô hình sản xuất kinh doanh sử dụng vốn hiệu quả; phối hợp mở lớp tập huấn cho cán bộ hội, đoàn thể trưởng bản về quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đến nay, trên địa bàn huyện đang triển khai các chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 578 tỷ đồng, cho vay 7.522 hộ trên 193 tổ tiết kiệm và vay vốn; tổng nguồn vốn ủy thác đạt trên 28 tỷ đồng. Từ đó, nhiều hộ biết tận dụng, khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhằm mang lại hiệu quả.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, trên địa bàn huyện, gần 10 nghìn hộ có lao động nhàn rỗi được tạo việc làm từ các nguồn vốn, trong đó, trên 6.000 lượt hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm, ổn định nhà ở, sản xuất kinh doanh cho hàng chục nghìn lượt người và các hộ thuộc đối tượng được vay vốn. Qua đó, góp phần tăng thu nhập bình quân trên địa bàn huyện năm 2024 đạt 48 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm bình quân 5%.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Than Uyên Hoàng Văn Chang cho biết, đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, đẩy mạnh công tác tư vấn đào tạo nghề trên địa bàn, chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động cho vay, tạo ra mô hình sản xuất kinh doanh sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Qua đánh giá cho thấy, các hộ sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách khác có động lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đặc biệt là Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai đầy đủ nguồn vốn, cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 4.138 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách là hơn 4.124 tỷ đồng với 54.330 khách hàng còn dư nợ. Trong hơn 22 năm, có 304.787 lượt hộ nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn gần 10.939 tỷ đồng thông qua 16 chương trình tín dụng.
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, có 73.668 lượt hộ nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo; tạo việc làm mới cho 28.863 người lao động, 653 lao động được vay vốn để đi lao động có thời hạn tại nước ngoài; xây mới 72.603 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 7.837 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn làm nhà...
Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu cho biết, các nguồn vốn chủ yếu là giải ngân cho hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt và phát triển kinh tế. Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, nguồn vốn vay được các hộ sử dụng hiệu quả, thực sự đáp ứng nhu cầu cũng như nguyện vọng của bà con. Hiện, nợ xấu của chi nhánh là rất thấp, chiếm 0,06% dư nợ. Đây chính là một trong những chỉ số để đánh giá hiệu quả nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của bà con trong toàn tỉnh.
Có thể thấy rằng, qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, tỉnh Lai Châu đã thực hiện hiệu quả Chỉ thị này. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền, địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng tỉnh Lai Châu ngày càng giàu đẹp, văn minh./.