Chính sách và phát triển

Đột phá trong triển khai tín dụng chính sách xã hội

Hà Giang

Trong những năm qua với việc lồng ghép các chương trình tín dụng chính sách với việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Hà Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đó là ghi nhận của Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh tại buổi làm việc với Uỷ viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng uỷ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TW, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng. Tuy nhiên, để Hà Giang bức phá nhanh hơn trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cần có những đột phá về tín dụng chính sách xã hội với sự tham gia mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi biên cương tổ quốc.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang Lê Tuấn Quang cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và gần đây nhất là Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Hà Giang ngày càng quan tâm, chú trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động của NHCSXH.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh phát biểu

Riêng năm 2024, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp đã chuyển nguồn vốn nhận uỷ thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 20,7 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch giao. Quý I/2025 nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 14,2 tỷ đồng, hoàn thành 40,5% kế hoạch giao, từ đó đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến thời điểm 25/03/2025 đạt 288,4 tỷ đồng, tăng 270,8 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, góp phần đưa tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt trên 5.552 tỷ đồng, tăng hơn 91,5 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 195 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện là 90 tỷ đồng.

Quang cảnh buổi làm việc

Có thể nói đây là nền tảng để chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại các vùng nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh, 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn chính sách để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Trong năm 2024, có 28.543 lượt hộ được vay vốn với doanh số cho vay đạt 1.735 tỷ đồng. Đến 31/12/2024 dư nợ tín dụng đạt 5.450 tỷ đồng với 94.149 khách hàng dư nợ, tỷ lệ tăng trưởng đạt 9%, bình quân dư nợ 57,8 triệu đồng/khách hàng.Quý I/2025, doanh số cho vay tại chi nhánh đạt 429 tỷ đồng với 6.125 lượt hộ được vay vốn. Đến ngày 25/3/2025 tổng dư nợ đạt 5.536 tỷ đồng/93.669 khách hàng dư nợ, tăng 86,2 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 1,6%, bình quân dư nợ 59 triệu đồng/khách hàng.Như vậy, chỉ tính riêng trong năm 2024 và quý I/2025, đã có 34.217 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó có 16.802 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; trên 6.073 lượt hộ tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh doanh; trên 4.698 lượt hộ được vay vốn tạo việc làm; trên 5.246 lượt hộ được vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn, góp phần cải thiện môi trường xanh sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn; 1.205 lượt hộ được vay vốn cải tạo vườn tạp và phát triển bền vững cây cam sành; 64 lao động chấp hành xong án phạt tù được vay vốn chính sách hoà nhập với cộng đồng,…Tuy nhiên, những khó khăn thách thức cũng đang đặt ra việc đẩy mạnh tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.Theo thống kê, đến cuối năm 2024 số hộ nghèo đa chiều của tình mặc dù giảm 6,26% so với năm 2023 nhưng vẫn còn tới 69.740 hộ, chiếm 36,35% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 11.711 hộ, giảm. Trong đó, số hộ nghèo là 49.760 hộ, số hộ cận nghèo là 19.980 hộ. Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo vùng cao, biên giới, nguồn thu ngân sách còn nhiều khó khăn, do đó việc bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH có phần hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của một số hộ tại các vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế, nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp, còn tiềm ẩn rủi ro.

Trước thực tế đó, tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã đặt vấn đề với tỉnh Hà Giang cần có những giải pháp hữu hiệu và đột phá hơn trong triển khai tín dụng chính sách xã hội.Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH luôn ưu tiên nguồn lực cho các vùng, miền núi khó khăn, đặc biệt là tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của chính sách nhân văn này, ông đề nghị Tỉnh ủy Hà Giang cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo huyện ủy, thành ủy, chính quyền các huyện, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 71-CTr/TU ngày 07/01/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, trọng tâm là quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH cùng cấp để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, Tổng Giám đốc NHCSXH đề nghị tỉnh Hà Giang hằng năm quan tâm bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH tăng từ 15 - 20%/năm để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đảm bảo đến năm 2030 tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang chiếm tới 15% tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, theo Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Công đoàn NHCSXH đã trao biểu trưng hỗ trợ 1 tỷ đồng cho tỉnh Hà Giang thông qua Uỷ ban MTTQ tỉnh để hỗ trợ hộ xây nhà cho người nghèo

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng đề nghị Tỉnh ủy Hà Giang chuyển nguồn vốn ủy thác sang đang cho vay theo Nghị quyết số 04-NQ/TU và 05-NQ/TU ngày 01/12/2020 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững cây cam sành và cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020) sang thực hiện cho vay đối với hộ nghèo, tạo việc làm và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian tiếp theo.Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh đôn đốc các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở để chi nhánh NHCSXH cho vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, phấn đấu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước; đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.Ghi nhận những thành quả quan trọng của tín dụng chính sách xã hội với việc phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh đề xuất với Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng hằng năm xem xét ưu tiên cân đối bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo cho chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh.Bên cạnh đó, chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung huy động vốn để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại xã; Cần sớm chủ động sắp xếp lại mô hình phù hợp với chính quyền 3 cấp theo tinh thần của TW đang chỉ đạo thực hiện; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần tích cực trong thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang.

Bài và ảnh: VH

Xem thêm