50 năm sau ngày giải phóng, với sự quan tâm đầu tư nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả, diện mạo vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long ngày càng đổi mới. Người dân ngày càng có ý thức hơn về trách nhiệm của mình, tự lực vươn lên và đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, đồng bào Khmer của tỉnh Vĩnh Long đã tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nỗ lực không ngừng để vươn lên. Không chỉ phát triển gia đình, đồng bào Khmer còn đóng góp nhiều hơn, mang đến những đổi mới trong phum sóc.
* Chung tay xây dựng nông thôn mới
Từ các nguồn lực đầu tư, diện mạo phum sóc ngày càng đổi mới. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến tháng 4/2025, tỉnh Vĩnh Long có 3/5 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó, xã Đông Bình và Đông Thành (thị xã Bình Minh) là xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Đông Bình có 2 ấp đồng bào dân tộc Khmer là Phù Ly 1, Phù Ly 2 với 627 hộ và 2.336 nhân khẩu, chiếm 29,76% tổng dân số toàn xã. Chủ tịch UBND xã Đông Bình Nguyễn Văn Chín cho biết, xã luôn quan tâm giải quyết các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc như hỗ trợ vốn sinh kế, giải quyết việc làm, nhà ở…mang lại hiệu quả tích cực trong việc phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển địa phương. Tháng 3/2025, xã Đông Bình được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó điểm sáng là thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt 79,21 triệu đồng/người/năm.
Gia đình ông Kiên Sô Thanh - Phó trưởng ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình là tấm gương vượt khó, thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ siêng năng chịu khó, vợ chồng ông Sô Thanh vừa trồng trọt, chăn nuôi vừa tận dụng vốn vay chính sách phát triển nghề làm cốm dẹp. Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông làm khoảng 80kg cốm dẹp, cùng với mua đi, bán lại thì mang đến thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Ông Kiên Sô Thanh cho biết: “Chính nhờ đồng vốn vay của Nhà nước đã tạo điều kiện cho tôi và nhiều hộ dân trong xã duy trì và phát triển nghề làm cốm dẹp, nhờ đó kinh tế gia đình tiến lên rõ rệt trong những năm qua. Nghề làm cốm dẹp ở địa phương cũng có điều kiện phát triển, ngày càng đổi mới, từ làm thủ công dần được chuyển sang máy móc, góp phần giảm giá thành và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Xã Đông Thành có hơn 2.810 hộ, trong đó có hơn 600 hộ dân tộc Khmer, chiếm 21% dân số. Thực hiện chương trình nông thôn mới kiểu mẫu, những năm qua, xã huy động nguồn lực gần 2,6 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1,8 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Thành Nguyễn Hoàng Chương, qua vận động, đồng bào Khmer tích cực hiến đất, đóng góp tiền và công sức xây dựng các tuyến đường, dọn dẹp vệ sinh và trồng hoa…Đặc biệt, đồng bào Khmer chí thú làm ăn, phát triển nhiều mô hình kinh tế, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Tháng 3/2025, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành tích này là nhờ sự chung tay nỗ lực của chính quyền địa phương cùng nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.
* Đồng lòng vì cuộc sống ấm no
50 năm sau ngày giải phóng, với sự quan tâm đầu tư nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả, diện mạo vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long ngày càng đổi mới. Người dân ngày càng có ý thức hơn về trách nhiệm của mình, tự lực vươn lên và đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.
Hơn 20 năm qua, ông Thạc Quơn (70 tuổi, Phó Bí thư Chi bộ ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn) gắn bó với những công việc đóng góp cho cộng đồng dân tộc Khmer trên địa bàn. Ông từng được trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, được khen thưởng về tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động…
Ông luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, phát huy vai trò tiên phong trong lao động sản xuất, nuôi dạy con. Trong phát triển kinh tế gia đình, ông Thạch Quơn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình và nhu cầu của thị trường. Từ sản xuất lúa chưa mang lại lợi nhuận cao, ông dần học tập phát triển thêm chăn nuôi bò, trồng sen, trồng màu, rồi trồng dừa. Các mô hình kinh tế này mang lại lợi nhuận cao cho gia đình. Trong công tác ở địa phương, ông là người gần gũi, kịp thời lắng nghe, chia sẻ với những khó khăn của người dân. Qua thực tế, ông tham mưu địa phương hỗ trợ, động viên nhiều hộ gia đình khó khăn để có điều kiện về nhà ở, vốn vay phát triển kinh tế. Nhờ sự động viên của ông Thạch Quơn, gia đình anh Thạch Hà (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ) từng được hỗ trợ về nhà ở, sau đó tiếp tục lao động, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, gia đình anh Thạch Hà đã tự lực vươn lên, vừa xây được căn nhà mới khang trang để đón Tết Chôl Chnăm Thmây trong niềm vui trọn vẹn.
Tiếp nối với cha mình, chị Thạch Thị Ly Na (con ông Thạch Quơn) cũng là tấm gương trong các phong trào phát triển kinh tế và đóng góp cho cộng đồng tại địa phương. Qua thời gian công tác với nhiều vị trí ở địa phương, chị đã vận động phụ nữ và nông dân thực hiện tốt các phong trào thi đua trong sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, đồng thời là nòng cốt xây dựng các mô hình tương trợ, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, vượt khó, thoát nghèo.
Ông Thạch Quơn chia sẻ: “Người có uy tín phải hiểu được bà con và hiểu chính sách pháp luật, chủ trương của Nhà nước. Mình là cán bộ đảng viên, mình luôn gương mẫu, đi đầu cả trong phát triển kinh tế, lẫn chăm lo chuyện gia đình, học hành của các con. Bản thân làm gương cho con cháu, anh em noi theo, từ đó tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm đến bà con để cùng làm theo, xây dựng địa phương ngày càng phát triển".
Quyền Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Thạch Dương cho biết, với truyền thống yêu nước, gắn bó lâu đời với mảnh đất Nam Bộ, đồng bào Khmer không chỉ nỗ lực vượt khó trong cuộc sống mà còn tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, vai trò của những người có uy tín trong đồng bào Khmer được phát huy rõ nét. Họ chính là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Nhiều vị sư sãi, chức sắc tôn giáo và người có uy tín là tấm gương sáng trong vận động đồng bào hiến đất, góp công, góp sức xây dựng các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa... nhằm từng bước hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ thiết thực cho vùng đồng bào dân tộc Khmer; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống để khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, sát thực tế, mang lại hiệu quả bền vững.
Ông Thạch Dương nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, Sở tiếp tục chú trọng đến việc khơi dậy và phát huy nội lực trong cộng đồng người Khmer, tạo điều kiện để đồng bào chủ động tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống mới văn minh, hiện đại. Qua đó tạo bước chuyển mình tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.