Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng phát triển, tạo nên sức sống mới ở vùng có đông đồng bào dân tộc.
Những ngày giữa tháng 4 lịch sử, cùng với đồng bào cả nước, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, đồng bào Khmer Bạc Liêu nói riêng hồ hởi cùng người dân cả nước chuẩn bị đón mừng ngày lễ trọng đại của đất nước - Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm mươi 50 năm sau ngày thống nhất, sự đổi thay của phum sóc, phát triển của quê hương như tiếp thêm động lực giúp đồng bào Khmer vững tin về tương lai phồn thịnh; tiếp thêm sức mạnh đoàn kết, chung tay cùng các dân tộc anh em trên địa bàn xây dựng quê hương dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đổi thay từ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền
Bạc Liêu là tỉnh có đa dạng các dân tộc thiểu số với trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 9,2% dân số toàn tỉnh; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng đông nhất với trên 17.000 hộ, chiếm 7,6%.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cơ bản ổn định và phát triển. Việc thực hiện chính sách dân tộc, phong trào thi đua gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Diện mạo phum sóc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc. Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, tạo nên sức sống mới ở vùng có đông đồng bào dân tộc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, nhờ sự tham mưu của các cấp chính quyền, đoàn thể, các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào ngày càng hiệu quả, thiết thực và nhanh chóng hơn. Nhờ đó, các hộ đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu luôn thống nhất quan điểm đoàn kết các dân tộc là nguồn sức mạnh to lớn, là nhiệm vụ hàng đầu; đồng thời, xác định vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số là địa bàn quan trọng để tập trung nguồn vốn đầu tư, tạo sự ổn định phát triển.
Hằng năm, tỉnh Bạc Liêu đều ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung phát triển giao thông và kết cấu hạ tầng, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc... Từ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - văn hóa và dân trí tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã phân bổ 160 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ các chương trình hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, kết hợp với việc nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa, thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân tộc Khmer trồng lúa đã tăng 20% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo đã giảm mạnh, từ 2.329 hộ năm 2021, xuống còn 808 hộ, tương ứng với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo giảm 2,5% mỗi năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số được giảm đáng kể, hiện chỉ còn 258 hộ, chiếm 1,39% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những bước tiến đáng kể tại Bạc Liêu từ nguồn vốn đầu tư 747,3 tỷ đồng từ Trung ương và tỉnh. Nhờ đó, 13/14 đơn vị cấp xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cùng với các phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đồng bào Khmer. Cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, là động lực để đồng bào tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, phấn đấu cùng các cấp, ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Quê hương khởi sắc, đồng bào vững tin theo Đảng
Những ngày tháng 4 lịch sử, về thăm các phum sóc có đồng đồng bào Khmer, nhất là các phum sóc vùng sâu, vùng xa, không khó nhận ra sự đổi thay nhanh chóng qua từng năm. Nhờ có định hướng của các cấp chính quyền trong việc phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông đồng bộ, dân trí ngày càng được nâng cao… các phum sóc Khmer bây giờ đã khoác lên mình diện mạo của sự phát triển, nông thôn vươn mình sánh vai với thành thị.
Có dịp trở lại Ninh Thạnh Lợi, một trong những địa phương vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện Hồng Dân, mọi người không khỏi ngạc nhiên trước sự “thay da, đổi thịt” của vùng quê này. Từ một vùng quê nghèo nàn, lạc hậu, xa xôi cách trở trước đây, đến nay nơi đây đã trở thành vùng quê tràn đầy sức sống, ấn tượng. Nửa thế kỷ sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, "năn, lác" - những loài cỏ dại đã một thời ngự trị nơi này, đang nhường chỗ cho con tôm - cây lúa, những sản vật đã và đang đem đến cho người dân đời sống ấm no, sung túc.
Ông Danh Cáo, ở ấp Kos Thum, xã Ninh Thạnh Lợi chia sẻ: Ngày trước, việc đi lại của người dân chủ yếu bằng xuồng, võ lãi, việc học hành, buôn bán, chăm sóc sức khỏe gặp nhiều khó khăn… Nhờ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân đã giúp cho cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư kiên cố, phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt, thụ hưởng của bà con.
Nửa thế kỷ kể từ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tại các vùng đồng bào dân tộc Khmer giờ đây những vết tích chiến tranh đã không còn. Những hố bom đã được san lấp thay thế bằng những vườn cây trĩu quả, những cánh đồng lúa xanh ngát.
Theo ông Châu Phát, cán bộ hưu trí người Khmer ở xã Long Điền (huyện Đông Hải), nhờ được thụ hưởng các chính sách, chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nên kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng có đông đồng bào Khmer, được đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Phum sóc có đông đồng bào Khmer bây giờ phát triển mọi mặt; đời sống, kinh tế không ngừng khởi sắc. Chuyện học hành và giao thương thuận lợi. Nhờ Đảng soi đường, đồng bào Khmer thấy được chân lý của sự đổi thay, phát triển. Phum sóc Khmer ngày càng đi lên.
Hòa thượng Tăng Sa Vong - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, Trụ trì chùa Buppharam (chùa Cái Giá chót, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) bày tỏ niềm phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ sự tham mưu của các cấp chính quyền, đoàn thể, các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào ngày càng hiệu quả, thiết thực và nhanh chóng hơn. Các hộ đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới đã từng bước làm thay đổi bộ mặt xã hội từ thành thị đến nông thôn được tiến bộ rõ nét, tình hình an ninh chính trị được ổn định, kinh tế được phát triển, Hòa thượng Tăng Sa Vong chia sẻ.
Điều đáng mừng là, với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào tôn giáo, dân tộc, nhất là dân tộc Khmer được quan tâm nhiều hơn, làm cho các vị chức sắc, Ban quản trị chùa, các phật tử phấn khởi trước sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, đồng bào Khmer thấy rõ hơn nữa nhiệm vụ giữa “đạo và đời”, cùng ra sức góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm mươi năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, phum sóc Khmer thay da đổi thịt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng khởi sắc. Từ những vùng quê cách trở, những phum sóc nghèo ngày nào, giờ đây đã khoác lên mình hình ảnh mới của những ngôi trường khang trang, con đường bê tông thẳng tắp, những mái chùa đẹp đẽ và lộng lẫy. Quê hương ngày càng phát triển, đời sống ngày càng đi lên. Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp../.
- Từ khóa:
- Đồng bào Khmer
- Bạc Liêu
- Nông thôn mới