Ngày 18/4, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức buổi đối thoại với nông dân trên địa bàn bằng hình thức trực tuyến
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã tập trung thảo luận, giải đáp nhiều nội dung đặt ra, tập trung 6 nhóm vấn đề gồm: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông sản chủ lực của địa phương; xây dựng mã số vùng trồng; sản xuất và tiêu thụ nông sản; chuyển đổi cây trồng; chính sách vay vốn trong sản xuất nông nghiệp; phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Trao đổi về tình trạng giá cả nông sản không ổn định, giá vật tư đầu vào tăng cao, các liên kết sản xuất chưa bền vững... làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long Lê Văn Dũng cho biết, thời gian qua, các cấp, ngành đã chung tay thực hiện xúc tiến thương mại nhằm quảng bá nông sản, khảo sát các chợ đầu mối để định hình, tìm đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên thực tế cho thấy, không thể can thiệp vào thị trường để có giá bán tốt hơn mà chỉ có thể chủ động giảm chi phí sản xuất để giảm thiểu tác động trong tình huống giá thấp; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để sản phẩm được giá hơn.
Để góp phần hạn chế tình trạng này, thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, hướng dẫn về xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm nông nghiệp gắn với mã số vùng trồng. Tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Song song đó, địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá nông sản để kết nối tiêu thụ, tạo điều kiện mời gọi đầu tư với các doanh nghiệp thu mua, sơ chế và chế biến nông sản, dịch vụ kinh doanh máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch...
Nông dân cần tiếp tục tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất; đồng thời thực hiện các quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt cần liên kết lại để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để thuận lợi trong tiêu thụ và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững tin bước vào kỷ nguyên mới” không chỉ là một lời kêu gọi, mà còn là sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Lãnh đạo tỉnh mong muốn tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và khát vọng vươn lên của mỗi nông dân. Từ đó, mỗi gia đình, cộng đồng sẽ có thể làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình; góp phần xây dựng tỉnh giàu mạnh, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thời gian tới, các ngành, địa phương cần tập trung triển khai tốt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Theo đó, đối với vấn đề liên quan đến chuyển đổi cây trồng và giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nông sản địa phương, tăng thu nhập của người sản xuất, các địa phương tiếp tục có kế hoạch triển khai cụ thể, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng.
Các sở, ngành, địa phương phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản; xem đây là một phần quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy xuất khẩu.
Các ngành cần có giải pháp phù hợp, chủ động thích ứng sản xuất trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình để giảm chi phí, tăng hiệu quả. Đối với khó khăn trong vay vốn tín dụng của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ, ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng phối hợp với các ngành có liên quan tháo gỡ trong việc tiếp cận vốn tín dụng, tạo điều kiện để các hợp tác xã tiếp cận vốn vay và phát huy hiệu quả nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh.