Chính sách và phát triển

Hỗ trợ pháp lý để quản trị rủi ro cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

TP. Hồ Chí Minh

Việc tăng cường các hoạt động đối thoại, trao đổi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, hiểu rõ về pháp lý trong hoạt động là rất cần thiết, giúp các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả và phát triển bền vững hơn.

Quang cảnh hội nghị. 
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Ngày 14/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị đối thoại "Một số vấn đề cần lưu ý theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, góc nhìn kiểm soát rủi ro" với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý, lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề và gần 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.

Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, Hội nghị đối thoại tập trung phân tích những nội dung cốt lõi và mang tính thực tiễn cao nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện đúng và đầy đủ các yêu cầu pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay, trong đó trọng tâm là việc nhận diện bản chất pháp lý, quyền và nghĩa vụ đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh, từ đó giúp doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp với chiến lược phát triển và năng lực điều hành.

Theo bà Ngô Quỳnh Hoa, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm đa số trong số doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh những đóng góp tích cực vào nền kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, hạn chế từ tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và cả tiếp cận, nắm bắt về pháp lý, pháp luật liên quan. Chính vì vậy, việc tăng cường các hoạt động đối thoại, trao đổi cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, hiểu rõ về pháp lý trong hoạt động là rất cần thiết, qua đó giúp cho các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả và phát triển bền vững hơn.

Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về những đổi mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 trong quản lý ngành, nghề kinh doanh, đặc biệt là việc cụ thể hóa nguyên tắc “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”, đồng thời làm rõ ranh giới pháp lý đối với các ngành, nghề bị cấm hoặc hạn chế đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư. Thông qua đó, doanh nghiệp được định hướng rõ ràng trong việc xác lập và triển khai lĩnh vực kinh doanh, bảo đảm không vi phạm quy định pháp luật và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động.  

Đồng thời, Hội nghị dành sự quan tâm đặc biệt đến vai trò của người đại diện theo pháp luật - chủ thể có vị trí trung tâm trong tổ chức và vận hành doanh nghiệp. Các nội dung trao đổi đã tập trung làm rõ trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ công bố thông tin, cũng như các giới hạn pháp lý trong thẩm quyền đại diện của người đại diện theo pháp luật, qua đó giúp doanh nghiệp củng cố cơ chế quản trị nội bộ và xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao kỹ năng quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, Thạc sỹ Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, doanh nghiệp cần xác định được các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công việc; vận dụng đúng quy định pháp luật trong quá trình giải quyết công việc như rà soát đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan điều chỉnh vấn đề, lưu ý trường hợp có nhiều quy định về cùng một vấn đề.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. 
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Theo Thạc sỹ Phạm Thúy Hạnh, trong hoạt động chuyên môn, doanh nghiệp cần hiểu đúng quy định pháp luật để xác định chính xác quy định phải áp dụng, nắm chắc nguyên tắc áp dụng pháp luật, xác định đúng thẩm quyền, đối tượng điều chỉnh, hiệu lực cũng như xác định chính xác hành vi, thu thập đầy đủ hồ sơ, bằng chứng… Cùng với đó, trong hoạt động quản lý cần bảo đảm đúng quy định chung và quy trình xử lý của cơ quan, đơn vị, bảo đảm khách quan, phối hợp tốt; đồng thời hạn chế rủi ro, xảy ra tranh chấp, lừa đảo, khiếu nại…

Bà Bùi Thu Trang, Tổng Giám đốc Tập đoàn SOL Thái Lan tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, các chuyên gia tư vấn pháp lý cũng đã trao đổi, lắng nghe các ý kiến phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, trao đổi những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình tổ chức thực hiện, từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp./.


A.Tuấn

Xem thêm