Chính sách và phát triển

Hiện thực hoá khát vọng Việt từ tầm nhìn chiến lược đến hành động tiên phong

Triết lý giáo dục cốt lõi của Trường Trung học Phổ thông Trí Đức trong gần 30 năm qua đó là: “Học gì, làm gì cũng để làm người”;“Thành người trước khi thành tài”; “Đất nước cần người thế nào hãy dạy, học và thi như thế nấy”.

Trường THPT Trí Đức đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, giáo dục luôn là ngọn nguồn của những thay đổi bền vững và hôm nay, khi đứng trước vận hội lớn lao, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kịp thời thắp lên ngọn lửa mới – ngọn lửa của niềm tin, khát vọng đặt vào thế hệ trẻ Việt Nam, thông qua bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”. Người trẻ cần bước ra thế giới với niềm tự hào là người Việt Nam, bởi hội nhập không phải để hòa tan mà là để mang tinh hoa Việt góp phần làm phong phú thêm cho thế giới, tạo nên một công dân toàn cầu mà vẫn đậm đà hồn cốt dân tộc.

Đặt niềm tin vào thế hệ biết vươn mình

Chúng ta đang sống giữa thời đại thế giới thay đổi từng ngày, từng giờ. Hội nhập quốc tế không còn là xu thế xa vời mà trở thành hiện thực sống động, len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của hầu hết mọi quốc gia. Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa… đang tạo ra không gian toàn cầu rộng mở. Thông tin, tri thức và công nghệ được chia sẻ không biên giới, con người với vốn năng lực đa dạng trở thành tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng trường THPT Trí Đức cùng các thầy cô giáo tham gia hội thảo về công tác giảng dạy. 
Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trong bức tranh toàn cầu hóa ấy, giáo dục nổi lên như một nhân tố trung tâm. Bởi, chính giáo dục là nơi sản sinh ra năng lực cho con người và như thế, giáo dục nắm trong tay chìa khóa cạnh tranh “ai hơn ai” giữa các quốc gia, không chỉ ở hiện tại mà còn định hình tương lai bền vững của mỗi nước. Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Hơn thế nữa, Việt Nam đang rất cần một nền giáo dục mới hiện đại cho kỷ nguyên vươn mình. Nền giáo dục mới phải mở ra những chân trời mới, nơi con người được khai phóng tiềm năng và tâm hồn, được phát triển toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, cảm xúc và các kỹ năng mềm... Vai trò của những người làm giáo dục vì thế cũng được tái định nghĩa: Không còn là “kho kiến thức”, là người giữ vai trò “truyền thụ” kiến thức đơn thuần, mà là người “mở đường”, người “đánh thức”, “gieo mầm” của tư duy sáng tạo, tinh thần tự chủ và khát vọng vươn mình trong từng học sinh.

Mỗi nhà giáo, mỗi người làm giáo dục lúc này nên nghĩ sâu sắc rằng: Mình đang gieo hạt cho tương lai, cho những thế hệ vươn mình. Những hạt giống ấy chỉ có thể đâm chồi, vươn lên mạnh mẽ khi được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục hiện đại, nhân văn, cởi mở và biết lắng nghe. Khi chúng ta xây dựng một con đường giáo dục đúng đắn: Giáo dục do học sinh, của học sinh và vì học sinh thì tất yếu sẽ đặt học sinh ở trung tâm, để các em được tự do phát triển toàn diện theo tiềm năng và sở thích riêng của mình. Đó là tư tưởng và nghệ thuật giáo dục khai phóng, giúp học sinh tự kiến tạo tri thức, khơi dậy nội lực, nuôi dưỡng ước mơ. Một nền giáo dục như thế sẽ mở ra những không gian phát triển đa dạng, rộng lớn, tự do và giàu tính nhân văn – nơi mỗi học sinh được là chính mình, trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình.

Học sinh trường Trí Đức tham gia hoạt động STEM.
Ảnh: Nhà trường cung cấp

Từ nhận thức ấy, trách nhiệm đặt lên vai những người làm giáo dục trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, không ai khác, giáo viên là người gieo mầm cho tương lai. Những gì nhà trường và thầy cô lựa chọn hôm nay – cách nhìn nhận học sinh, cách tổ chức lớp học, cách dạy, cách học sẽ quyết định hình thành nhân cách, phát triển tư duy và năng lực, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt cho thế hệ mai sau. Đó là trọng trách hết sức nặng nề nhưng cũng đầy vẻ vang.

Trong dòng xoáy lớn của thời đại, một tư tưởng mang tầm chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” đã đặt ra cơ hội lớn, đầy tính khai mở cho toàn xã hội mà trước hết cho ngành giáo dục nước nhà: Làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho thế hệ trẻ – không chỉ để “hòa nhập” mà còn “làm chủ” tương lai của bản thân và cho đất nước?

Tư tưởng xuyên suốt trong bài viết của Tổng Bí thư rất rõ ràng, với mong muốn thế hệ trẻ cần được chuẩn bị thật tốt cả về nhân cách, trí tuệ, thể chất và đặc biệt là giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Tổng Bí thư đã nhìn rõ thế giới đang thay đổi từng ngày, không chỉ có thách thức mà những cơ hội lớn luôn rộng mở nếu biết khơi dậy đúng tiềm năng con người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam.

Bài viết nhắc lại những trang sử oai hùng đẹp đẽ của thanh niên Việt Nam – từ thời đấu tranh giành độc lập đến kiến thiết hòa bình với những phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Phụ nữ ba đảm đang”… để khẳng định rằng: Thế hệ trẻ chưa bao giờ đứng ngoài những thời khắc quan trọng của đất nước. Khi bước vào kỷ nguyên phát triển mới, đất nước lại càng cần thế hệ trẻ mạnh mẽ và năng động hơn, giỏi giang hơn, nhiệt huyết hơn mà Tổng Bí thư gọi là “thế hệ vươn mình” để sẵn sàng mang trí tuệ, văn hóa và tinh thần ý chí Việt Nam hội nhập với thế giới.

Bài viết của Tổng Bí thư là tư tưởng định hướng cho thanh niên, trao sứ mệnh cho thanh niên và những người đang làm giáo dục. Thông điệp rất thiết thực: Làm sao để nền giáo dục Việt Nam giúp cho mỗi thanh niên, học sinh được giáo dục đào tạo toàn diện, phấn đấu toàn diện, trở thành những công dân phát triển toàn diện. Làm sao để mỗi lớp học không chỉ dạy kiến thức mà còn giúp các em tìm thấy chính mình và nuôi lớn khát vọng vươn ra thế giới với một tâm hồn Việt Nam đầy tự trọng, tự hào?

Mô hình "Lớp học thảo luận" đang được Trường THPT Trí Đức triển khai.
Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tiên phong hiện thực hóa khát vọng Việt

Khi đọc bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng tôi – những người đang làm việc tại ngôi trường Trí Đức, thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ và tự thấy trách nhiệm rất rõ ràng. Bởi nếu đất nước đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, thì ngành Giáo dục và từng ngôi trường như Trí Đức chúng tôi chính là nơi bắt đầu hiện thực hóa niềm tin ấy.

Triết lý giáo dục cốt lõi của Trường Trung học Phổ thông Trí Đức trong gần 30 năm qua đó là: “Học gì, làm gì cũng để làm người”;“Thành người trước khi thành tài”; “Đất nước cần người thế nào hãy dạy, học và thi như thế nấy”.

Hiện nay, nhà trường thiết kế và triển khai Dự án phát triển giáo dục toàn diện Trí Đức 4.0, trong đó cốt lõi và khởi đầu từ mô hình “Lớp học thảo luận”. Đây là cơ sở thực tiễn giúp Trí Đức thực hiện khát vọng Việt.

Với mô hình Lớp học thảo luận, Trí Đức thực sự đặt học sinh vào trung tâm sự nghiệp giáo dục, đồng thời sáng tạo con đường dạy và học mới, nơi mỗi học sinh đều được tự phát triển toàn diện và đúng với bản sắc của chính mình.

Theo đó, Lớp học thảo luận Trí Đức không còn cách dạy và học theo lối: Thầy đứng trên bục giảng bài – học sinh nghe và ghi. Mỗi tiết học trở thành không gian, diễn đàn học thuật mở, bình đẳng cho mọi học sinh. Các em tự nêu vấn đề, thảo luận, lập luận, phản biện để tìm tòi, khám phá, làm rõ vấn đề, hiểu đúng bản chất và tự chốt kiến thức. Nghĩa là các em tự kiến tạo kiến thức, phát triển trí tuệ, trí thông minh IQ.

Trong quá trình thảo luận, các em biết lắng nghe để thấu hiểu và muốn được thấu hiểu; biết điều chỉnh hành vi, thái độ khi nói; biết chia sẻ, biết hợp tác; biết tiếp thu chọn lọc, phân biệt đúng sai, học được điều khiêm tốn, bỏ được sự kiêu ngạo; biết tôn trọng và tự trọng, biết cảm thông, bao dung và độ lượng… Nghĩa là, các em đã tự hình thành trí thông minh cảm xúc EQ, để tự hình thành và phát triển nhân cách. Thực tế, các em đã tỏa sáng nhân cách ngay trong lớp học.

Mỗi giờ học của Trường THPT Trí Đức trở thành không gian, diễn đàn học thuật mở.
Ảnh: Nhà trường cung cấp

Học sinh được nói lên quan điểm, chính kiến, tự do phát triển năng khiếu tiềm ẩn, được tôn trọng sự khác biệt và sở thích riêng. Nghĩa là, các em được tự khai phóng tiềm năng và tâm hồn.

Cùng với đó, học sinh tự tạo thói quen tư duy tích cực, vận dụng tư duy cơ bản để phát triển các tư duy bậc cao. Cũng trong quá trình học tập đó, các em tạo được thói quen hợp tác: cùng nghĩ, cùng làm, cùng vượt khó để cùng về đích. Nghĩa là các em đã tự hình thành và phát triển trí thông minh năng lực công dân CQ và cả 4 nhóm năng lực cần thiết của công dân 4.0 thế kỷ 21.

Nhà trường chú trọng hình thành cho học sinh thói quen và phương pháp tự giáo dục, tự học, tự nghiên cứu, để các em không chỉ thành công khi còn học trên ghế nhà trường mà sẽ tự học suốt đời, ở mọi nơi, thích nghi với mọi môi trường sống. Điều này, nếu được nhân rộng sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn lao cho mọi người, cho cả cộng đồng và đất nước.

Nếu chỉ có tri thức mà không có ý chí, các em sẽ dễ bị cuốn trôi giữa dòng chảy hỗn độn của thời đại. Vì thế, Trí Đức đặt trọng tâm vào việc nuôi dưỡng khát vọng sống có ích, có ước mơ, hoài bão. Trí Đức dạy học sinh cách nhìn và đánh giá cuộc đời mỗi con người là làm được nhiều điều tốt, nhiều việc nghĩa. Trí Đức định hướng, lý giải cho học sinh hiểu và luôn khích lệ các em phấn đấu “Thành người trước khi thành tài”.

Câu lạc bộ Hội họa tại Trường THPT Trí Đức.  
Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trí Đức không dạy học sinh phải đua nhau về đích trước thiên hạ mà cần học cách đi đúng hướng, trúng mục tiêu đã chọn. Các em cần đủ lòng kiên trì, luôn tôn trọng và tự trọng, coi kết quả mỗi việc làm là danh dự bản thân. Mục tiêu tổng quát cao nhất của Trí Đức là thông qua giáo dục đa dạng, toàn diện để đào tạo nhân cách, nuôi dưỡng và phát triển học sinh trở thành những công dân thực thụ, thành công, thành đạt, có thể đem đến lợi ích cho gia đình, đất nước, cho nhân loại. 

Có thể những việc Trí Đức đã và đang làm chưa đóng góp được nhiều cho nền Giáo dục. Nhưng mọi chuyển động lớn của đất nước đều bắt đầu từ những hành động nhỏ, kiên định và tốt đẹp. Nếu mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi học sinh đều giữ một đốm lửa như vậy trong tim, thì ngọn lửa khát vọng Việt mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã thắp lên chắc chắn sẽ được tiếp nối, lan xa và thành hiện thực.

Trí Đức hưởng ứng cao độ khát vọng ấy bằng trái tim, bằng tấm lòng cùng với con đường giáo dục của nhà trường gần 30 năm qua và những hành động cụ thể từng ngày. Trí Đức cam kết tạo dựng môi trường học tập rộng mở, tôn trọng tiếng nói và tiềm năng của học sinh, để tự “vươn mình” theo cách của riêng bản thân. Trí Đức đặt niềm tin vào khả năng tự làm chủ cuộc đời của mỗi học trò.

Tập thể sư phạm nhà trường nhận thức: Không thể “làm giáo dục” theo thói quen cũ nữa và việc hiện thực hóa khát vọng Việt không phải là một khẩu hiệu. Đó là một quá trình trí tuệ, dài lâu, kiên nhẫn và đầy thách thức. Toàn trường Trí Đức sẽ giữ lửa khát vọng trong tim, truyền lửa qua từng bài học, thắp sáng từng hành động nhỏ của mỗi học sinh với niềm tin: Tương lai của thế hệ vươn mình sẽ không phải là viễn cảnh xa vời mà là điều có thật – từng ngày, từng giờ. Trên hết, Trí Đức gieo cho các em biết yêu thương bản thân đúng cách để các em sẽ biết mở rộng lòng yêu thương, niềm tự hào, ý thức sống có ích cho cộng đồng, cho đất nước và nhân loại./.

Chủ tịch Hội đồng trường THPT Trí Đức Hà Trung Hưng

Xem thêm