Chính sách và phát triển

Vùng đất “khát” hồi sinh - Bài cuối: Cất cánh trở thành cực tăng trưởng

Ninh Thuận

Theo tinh thần đổi mới, Ninh Thuận đã chọn cách phát triển “đảo logic” để giải quyết vấn đề phát triển của mình. Đây là một sự lựa chọn khác thường nhưng nó đem lại những kết quả “phi thường”, làm “đổi đời” cả một vùng đất mà quá trình phát triển lúc đó còn vô vàn khó khăn, thử thách.

Phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất muối công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, huyện Thuận Nam. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN 

Trong chuyến công tác dự hội nghị Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vào cuối tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Từ trước tới nay, Ninh Thuận là địa phương “3 Kh: Khô - Khó - Khổ”. Tuy nhiên, để thoát khỏi “3 Kh” ấy, Ninh Thuận phải biến cái “không thể” thành cái “có thể”, phải khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đưa tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

* Đảo logic bứt phá phát triển

Theo tinh thần đổi mới, Ninh Thuận đã chọn cách phát triển “đảo logic” để giải quyết vấn đề phát triển của mình. Đây là một sự lựa chọn khác thường nhưng nó đem lại những kết quả “phi thường”, làm “đổi đời” cả một vùng đất mà quá trình phát triển lúc đó còn vô vàn khó khăn, thử thách.

Về thực chất, cách phát triển “đảo logic” của Ninh Thuận khá đơn giản, đó là lựa chọn hướng đi và cách phát triển mới, có thể biến những bất lợi phát triển theo cách truyền thống thành lợi thế phát triển hiện đại. Nắng, gió, khô cằn - những thứ đã làm cho Ninh Thuận trong suốt nhiều thập kỷ là một vùng đất nghèo khó nhưng nay đang trở thành nguồn lực phát triển hiện đại và mạnh hiếm thấy như: Năng lượng tái tạo với điện gió, điện mặt trời bao phủ vùng đất khát; biến toàn bộ khung cảnh hoang sơ và khốc liệt của “cát trắng, nắng cháy và biển xanh” trở thành tài nguyên du lịch hạng nhất; biến lợi thế của biển để phát triển nuôi trồng thủy sản, vươn tới trở thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước…

Tại hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035" vào cuối tháng 12/2024 do tỉnh tổ chức, nhiều nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đầu ngành đều nhận định: Sự thay đổi do phép “đảo logic phát triển” đã tạo ra một kỳ tích lớn với Ninh Thuận, phù hợp với các xu thế cơ bản của thời đại: Công nghệ cao; toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế; tạo khả năng đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đang diễn ra.

Đến nay, Ninh Thuận đã định hình một cơ cấu ngành kinh tế dựa trên các trụ cột mới là: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch đẳng cấp cao; nông nghiệp công nghệ cao; chế biến, chế tạo; kinh tế đô thị… thay thế nhanh cấu trúc kinh tế truyền thống dựa chủ yếu vào kinh tế nông nghiệp sinh tồn và đang phát huy rất hiệu quả.

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đang bứt phá phát triển sau 33 năm tái lập tỉnh. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Để làm được điều đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, Ninh Thuận nên kiến nghị Trung ương có Nghị quyết ban hành chính sách ưu đãi quốc gia đối với tỉnh như: Ưu tiên ngân sách đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho trên 600 nghìn dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đưa ra hệ thống chính sách đủ mạnh để phát triển năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi theo quy hoạch điện VIII để tỉnh sớm trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia; đồng thời, cần trao cơ chế phân cấp, phân quyền để Ninh Thuận “tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm”. Có như vậy, Ninh Thuận mới tiếp tục biến tiềm năng, lợi thế để phát triển và tăng trưởng kinh tế 2 con số như mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, tỉnh đang mở rộng không gian phát triển cho các tuyến ngành nghề hiện hữu; áp dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả nền kinh tế; tăng tính liên kết, “cộng hưởng” sức mạnh Vùng – Quốc gia, biến thành nội lực và lợi thế phát triển; tăng cường nội lực phát triển với nền tảng là khu vực tư nhân, trụ cột là các tập đoàn kinh tế lớn…

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận bày tỏ, mỗi năm, tỉnh đều đặt ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh rất rõ ràng và tín hiệu phát triển rất tích cực. Tỉnh luôn ưu tiên, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tập trung vào các khâu đột phá và phát triển các ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. Hiệu quả thấy rõ là các ngành, lĩnh vực đều có tăng trưởng mạnh, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh.

* Điểm sáng tăng trưởng của cả nước

Sự phấn khởi và khí thế quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Ninh Thuận sau 50 năm giải phóng và 33 năm tái lập đến nay đã đưa Ninh Thuận từ một tỉnh còn non trẻ, điểm xuất phát thấp, khô hạn kéo dài, nguồn lực đầu tư hạn hẹp và nhiều khó khăn… trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và cả nước.

Trong ba năm gần đây, dù phải đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn thuộc nhóm đứng đầu cả nước (năm 2019 tăng 14,69%, đứng thứ 4; năm 2020 tăng trên 10%, đứng thứ 4; năm 2021 tăng 9%, đứng thứ 4). Đến cuối năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 68,4 triệu đồng/người, bằng 88,5%, thuộc nhóm trung bình cả nước.

Gần đây, Ninh Thuận cũng đã ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn 2018 - 2023, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng hơn 1,7 lần, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Riêng năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,74%, xếp vị thứ 4/14 tỉnh khu vực; xếp 16/63 tỉnh thành phố, đưa Ninh Thuận vươn lên nhóm các tỉnh có thu nhập trung bình của cả nước.

Các ngành kinh tế chủ lực như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và năng lượng tái tạo đều có bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, Ninh Thuận có đến 23 công trình thủy lợi với dung tích chứa trên 417 triệu m3 nước và nhiều công trình khác đang hoàn thành sẽ phủ tưới cho khoảng 80.000 ha đất sản xuất vào cuối năm 2025. Tỉnh có dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná (cảng nước sâu của cả nước có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT); có 4 khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp đã và chuẩn bị đưa vào hoạt động; các khu du lịch ven biển, các khu đô thị mới từng bước được hình thành; đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với công suất hiện hữu trên 3.750 MW đã vận hành thương mại, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.

Ninh Thuận cũng đang đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông nối cao tốc Bắc - Nam với quốc lộ 1 vào khu công nghiệp và cảng biển Cà Ná; đường giao thông nối từ tỉnh lên Lâm Đồng, đường vành đai phía Bắc thông với quốc lộ 1… đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tạo hành lang giao thông liên vùng theo trục Đông - Tây, thúc đẩy kết nối với các tỉnh, thành khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, được coi là điểm nhấn phát triển mới cho tỉnh và cả vùng trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để hiện thực hóa những mục tiêu lớn hơn, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá quan trọng và 6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời,  tỉnh đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ cải thiện quy hoạch, đất đai, xây dựng đến việc thúc đẩy các chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với việc tái khởi động xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đây là cơ hội “vàng” để Ninh Thuận tăng tốc bứt phá, phát triển mạnh mẽ trong tương lai…

Khai thác đánh bắt thủy sản là lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Ninh Thuận. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh cũng đạt nhiều tiến bộ đáng kể. Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được nâng lên; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; GRDP bình quân đầu người ước đạt 98,2 triệu đồng/năm (2024); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5 - 2%/năm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm tỷ lệ 2,6%; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,89%. Ngoài ra, kinh tế xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số có nhiều cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát huy; trật tự an toàn xã hội được tăng cường; quốc phòng -  an ninh được giữ vững.

Có thể nói, Ninh Thuận đang từng bước vươn mình trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. Với chiến lược phát triển bài bản, sự hỗ trợ từ chính sách và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, tỉnh có đủ điều kiện tạo thêm những đột phá mới, nỗ lực đưa tỉnh phát triển đi lên. Theo đó, Ninh Thuận sẽ không chỉ là miền đất hội tụ những giá trị khác biệt, mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cả nước./.

Thành Công Thử

Tin liên quan

Xem thêm