Chính sách và phát triển

Vùng đất “khát” hồi sinh - Bài 1: Tầm nhìn đột phá

Ninh Thuận

Nói đến Ninh Thuận, hầu như ai cũng đều biết đó là vùng đất với đặc trưng của “nắng và gió”, “gió như phan, nắng như rang”.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu du lịch dọc bờ biển Bình Sơn-Ninh Chữ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN 

Với Ninh Thuận, 50 năm sau ngày giải phóng đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 33 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2025) là một chặng đầy khó khăn và thử thách. Từ một tỉnh với vô vàn những khó khăn về nhiều mặt nhưng Ninh Thuận không bao giờ chùn bước, luôn nỗ lực vượt khó đi lên và đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Để làm rõ hơn sự nỗ lực vượt khó của tỉnh, Phóng viên TTXVN có loạt bài viết về vùng đất non trẻ với nhiều giá trị khác biệt và luôn đầy nghị lực này.

Bài 1: Tầm nhìn đột phá

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 3.358 km2. Khi mới tái lập, tỉnh Ninh Thuận chỉ có 4 huyện, thị: Thị xã Phan Rang - Tháp Chàm; huyện Ninh Sơn; Ninh Hải và Ninh Phước. Toàn tỉnh có 32 dân tộc thiểu số với 40.645 hộ/184.496 khẩu, chiếm 24,31% dân số toàn tỉnh. Do xuất phát điểm kinh tế thấp, sau 50 năm giải phóng đất nước và 33 năm tái lập tỉnh (tách từ tỉnh Thuận Hải vào ngày 1/4/1992, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII ngày 26/12/1991), Ninh Thuận gặp vô vàn khó khăn, thử thách.

* Nỗ lực chuyển mình vươn lên

Nói đến Ninh Thuận, hầu như ai cũng đều biết đó là vùng đất với đặc trưng của “nắng và gió”, “gió như phan, nắng như rang”. Trong những năm đầu tái lập, sản xuất nông nghiệp vẫn là trọng yếu của Ninh Thuận, với chiến lược phát triển là “5 cây - 3 con” rất bấp bênh, bởi hệ thống thủy lợi chưa đầy đủ, việc sản xuất phụ thuộc vào nước trời là chủ yếu.

Ở thời điểm đó, tiềm năng và lợi thế của tỉnh Ninh Thuận vẫn còn “ngủ đông”, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa có điều kiện thu hút đầu tư khai thác; sản xuất công nghiệp chỉ mới nhen nhóm, ít ỏi; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, liên thông; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn; thu ngân sách chỉ đạt hơn 33 tỷ đồng (năm 1992).

Tuy nhiên, “nắng và gió” chỉ là cái khó của Ninh Thuận ở những năm về trước. Nay “nắng, gió” đang trở thành nguồn tài nguyên vô tận, rất quan trọng và được xem “nắng vàng, biển bạc” trong chiến lược phát triển “xanh” mà tỉnh xác định. Theo đó, tỉnh đã và đang tập trung khai thác, thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, hướng đến trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Sầm uất hoạt động mua bán hải sản tại cảng cá Cà Ná, huyện Thuận Nam. 
 Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ninh Thuận có đường bờ biển dài trên 105 km, là vùng nước trồi hiếm có của cả nước. Với lợi thế và tiềm năng từ biển, Ninh Thuận đang khai thác và tập trung phát triển mạnh về kinh tế biển như: Phát triển đô thị ven biển; khai thác thủy sản; nuôi trồng thủy hải sản; phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi; thu hút phát triển du lịch; phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phấn khởi cho biết, ngoài những tiềm năng, lợi thế trên, tỉnh cũng sở hữu vị trí chiến lược với mạng lưới giao thông đồng bộ, bao gồm đường biển, cảng biển, đường sắt, Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc - Nam. Các khu công nghiệp quy mô lớn cùng các cụm công nghiệp vệ tinh tạo thành nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp và kinh tế biển. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh mở rộng các ngành kinh tế mũi nhọn như: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh tế đô thị….

Bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra những cơ hội lớn cho địa phương. Quy hoạch đã định hướng phát triển toàn diện các ngành kinh tế theo lộ trình cụ thể, góp phần nâng cao khả năng thu hút đầu tư và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

* Thời cơ để cất cánh

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ, trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Ninh Thuận đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Nghị quyết 115/NQ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023; Nghị quyết của Quốc hội về tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân; dự án phát triển điện khí LNG; dự án thủy điện tích năng Bác Ái; đầu tư phát triển sân bay lưỡng dụng Thành Sơn; quy hoạch phát triển du lịch…

Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương là động lực để tỉnh có điều kiện để phát triển. Song một số cơ chế, chính sách ban hành còn chậm, nhiều điểm nghẽn chưa kịp tháo gỡ nên việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn có những khó khăn nhất định, chưa tạo thế và lực đủ mạnh để tỉnh thu hút đầu tư, khơi thông bứt phá.

Những năm qua, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Ninh Thuận vẫn còn khó khăn, cơ cấu lại nền kinh tế và trong nội bộ từng ngành chuyển dịch còn chậm. Việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực của tỉnh còn nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm, xuất khẩu nông, thủy sản giảm mạnh do khó khăn, lực cản của thị trường.

Khu công nghiệp ở huyện Thuận Bắc đang thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. 
Ảnh: Công Thử - TTXVN 

Bên cạnh đó, các đồ án quy hoạch phân khu chậm được ban hành. Giải ngân vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp; tiến độ triển khai hạ tầng cụm công nghiệp chậm, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp chưa cao; một số dự án năng lực sản xuất mới về công nghiệp, điện chậm hoàn thành. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn có mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị ở Ninh Thuận luôn một lòng chung tay, nỗ lực cố gắng vượt khó. Sự tâm huyết, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo; sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đề ra nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn cho từng giai đoạn phát triển; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước, mở đường cho sự phát triển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế… đã tạo cho Ninh Thuận có bước đi táo bạo, vững chắc và phát triển nhanh.

Mấu chốt quan trọng để định hướng phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững là tỉnh Ninh Thuận cần có giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn của điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, tạo đột phá của đột phá để thu hút đầu tư, vươn mình phát triển mang tầm quốc gia./.

Bài cuối: Cất cánh trở thành cực tăng trưởng

Thành Công Thử

Xem thêm