Phong trào “Bình dân học vụ số” được xác định sẽ góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an hiện đại, chuyên nghiệp.
Công an tỉnh Quảng Ninh xác định “Bình dân học vụ số” là phong trào có ý nghĩa thiết thực, gắn liền với nhiệm vụ chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số. Mục tiêu đến hết năm 2026, 100% cán bộ, chiến sĩ nắm được kiến thức cơ bản về công nghệ số và kỹ năng số, thành thạo việc sử dụng thiết bị thông minh, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào công việc.
*Sự cần thiết của số hóa trong thực hiện nhiệm vụ
Phong trào “Bình dân học vụ số” được xác định sẽ góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an hiện đại, chuyên nghiệp. Công an tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực, từ tham mưu, hậu cần đến cảnh sát, an ninh; đặc biệt là các mô hình chuyển đổi số của Đề án 06, các thủ tục hành chính công phục vụ nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phong trào “Bình dân học vụ số” xuất phát từ yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa lực lượng Công an trong thời đại chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh ngành Công an đang vận hành theo mô hình tổ chức bộ máy mới, do vậy ngoài việc số hóa dữ liệu, ngành cần số hóa cả quy trình công tác để có được sản phẩm thực chất, toàn diện và hiệu quả hơn.
Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, lực lượng cũng đứng trước một thách thức mới - nạn “mù số”, tức là thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật số, mạng xã hội và các ứng dụng thông minh.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, trong khi công nghệ đang hiện diện ở mọi lĩnh vực, từ quản lý hành chính, xử lý nghiệp vụ, đến tiếp cận thông tin, giao tiếp xã hội, nếu người dân, đặc biệt là lực lượng chức năng không theo kịp sự phát triển ấy, sẽ bị tụt lại phía sau, thậm chí dễ bị lợi dụng, bị lừa đảo, thao túng trên không gian mạng. Chính vì thế, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ mang tính thời sự mà còn là yêu cầu cấp thiết, mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.
Việc đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong lực lượng Công an đã mang đến những lợi ích, hiệu quả rõ nét. Quảng Ninh là một trong 8 địa phương tiên phong của cả nước triển khai mạnh mẽ Đề án 06, với nhiều kết quả quan trọng trong việc số hóa dữ liệu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích hợp các tiện ích vào ứng dụng định danh điện tử VNeID, góp phần hiện đại hóa nền hành chính và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn; rút ngắn thời gian, giảm thủ tục rườm rà, giúp người dân tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Chia sẻ về tiện ích khi ứng dụng chuyển đổi số vào thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe, chị Tiêu Thị Dương (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long) cho biết: Sau khi đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và được cán bộ trung tâm hướng dẫn về các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu của Đề án 06, chị đã có thể sử dụng nhiều tiện ích trong cuộc sống và công việc. Thay vì phải đến cơ quan hành chính, người dân có thể thực hiện nhiều thủ tục tại nhà thông qua hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID…
Thiếu tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh Quảng Ninh nhận định, phong trào “Bình dân học vụ số” là bước đi quan trọng, mang đến cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân có thể tiếp cận với các công nghệ thông tin, nền tảng số và các dịch vụ tiện ích trong cuộc sống. Đây không chỉ là cơ hội để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an tự phổ cập tri thức, kỹ năng số cho bản thân, mà còn là một yêu cầu chiến lược để thích ứng, nâng cao năng lực công tác trong bối cảnh mới. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần xung kích trong nắm bắt, tận dụng, khai thác những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ công tác của lực lượng Công an trong tình hình mới.
*Lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số”
Hiện, lực lượng Công an cấp xã là lực lượng tại địa bàn, bám cơ sở, gần dân, sát dân, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở đồng thời cũng chịu trách nhiệm tổ chức một số hoạt động quản lý nhà nước, giải quyết những yêu cầu của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số, yêu cầu thay đổi phương thức, cách làm từ “truyền thống, thủ công” sang cách làm “hiện đại với nhiều ứng dụng công nghệ” của Bộ Công an, của tỉnh Quảng Ninh, nhất là trong các mặt công tác quản lý con người, quản lý đối tượng đảm bảo an ninh trật tự địa bàn, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có trình độ chuyên môn, công nghệ, kỹ năng số ngày càng cao. Tuy nhiên, thực tế vì nhiều lý do nên hiện nay trình độ công nghệ, kỹ năng số của cán bộ, chiến sĩ Công an cấp xã còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Đại úy Nguyễn Quang Chiến, Phó Trưởng Công an xã An Sinh, thành phố Đông Triều chia sẻ, phong trào “Bình dân học vụ số” với những mục tiêu trọng tâm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số đến mọi tầng lớp nhân dân nói chung, mà trước hết là đến cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, hệ thống chính trị trong đó có lực lượng Công an xã là giải pháp giúp cán bộ, chiến sĩ Công an cấp xã có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong công tác, chiến đấu, nâng cao chuyên môn, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng xã hội số, chính quyền số, chính phủ số… Đơn vị sẽ tích cực hưởng ứng phong trào, có những biện pháp, giải pháp cụ thể để triển khai, lan tỏa phong trào; cùng xây dựng xã hội học tập nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…
Để lan tỏa và nâng cao chất lượng chuyển đổi số, ngày 10/4, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trong lực lượng Công an toàn tỉnh. Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh vai trò của ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong ngành; đề nghị thực hiện “chuyển đổi số” từ chính cấp ủy, người đứng đầu đơn vị các cấp. Đặc biệt phải nhận thức rõ ràng, đây là trách nhiệm của mình và cụ thể hóa bằng hành động chứ không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu; không xem “số hóa” là việc của ngành khoa học, công nghệ mà thay vào đó, người đứng đầu phải làm gương để cán bộ, chiến sĩ noi theo, ứng dụng vào chuyên môn nghiệp vụ mỗi ngày.
Trong năm 2025, Công an tỉnh Quảng Ninh triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số”, “Bình dân học AI” trong toàn ngành, thông qua việc triển khai mạng lưới “Đại sứ số”, để phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, chiến sĩ qua mô hình “Người hướng dẫn - Người học”. Mỗi đơn vị, Công an xã, phường, thị trấn bố trí ít nhất một nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn khi người dân đến làm thủ tục hành chính nhưng không đủ kỹ năng thao tác trên Cổng dịch vụ công trực tuyến; gắn chuyển đổi số với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong môi trường số, đặc biệt trong đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, tuyên truyền phản động trên không gian mạng./.