Chính sách và phát triển

50 năm Thống nhất đất nước: Phát triển Bù Đăng theo hướng xanh, điểm đến bình yên

Bình Phước

Sau 50 năm giải phóng, với 31 dân tộc anh em đang sinh sống trong ngôi nhà chung, Bù Đăng đang vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân.

Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo tại thôn 1, xã Bình Minh (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc S’tiêng. 
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

50 năm - khoảng thời gian không dài nhưng đó là dấu mốc quan trọng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) trong công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương. Mảnh đất chiến trường xưa kia, nay đã thay da đổi thịt từng ngày, màu xanh đã phủ khắp núi đồi, hệ thống điện, đường, trường, trạm về tận làng, ngõ xóm. Cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

* Từ vùng đất “bom cày, đạn xới”…

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Bù Đăng là địa bàn chiến lược, tiếp giáp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tại đây, địch ra sức gây dựng căn cứ và chống phá cách mạng của ta. Chúng ráo riết bắt lính, dồn dân vào ấp chiến lược hòng chia rẽ mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Song, với khát vọng thống nhất, độc lập, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, các căn cứ cách mạng đã được quân và dân Bù Đăng xây dựng ngay trong lòng địch như: “Nửa lon” ở xã Đăk Nhau, “Ấp cộng sản” ở Nghĩa Trung. Nơi đây, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã sớm giác ngộ theo cách mạng và trở thành những người con tiêu biểu của núi rừng Bù Đăng như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Điểu Ong, Dũng sỹ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi...

Sau Hiệp định Paris năm 1973, trước tình hình có lợi cho cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị cho phép mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, đúng 10 giờ 30 phút ngày 14/12/1974, quân ta làm chủ hoàn toàn khu trung tâm hành chính quận lỵ Đức Phong, giải phóng hoàn toàn Bù Đăng. Đặc biệt, sóc Bom Bo đi vào huyền thoại khi sau 3 ngày đêm miệt mài giã gạo, đồng bào đã cung cấp cho chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài 5 tấn gạo trong thời gian ngắn nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Huyện Bù Đăng chú trọng đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội. 
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Chứng kiến những năm tháng gian khổ của cách mạng, ông Điểu M’Riêng (sinh năm 1953, ngụ thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau) cho biết, ngay từ khi kẻ thù xâm lược đặt ách thống trị lên vùng đất này đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đồng bào S’tiêng không chịu khuất phục trước sự đàn áp của quân địch nên vào căn cứ "Nửa Lon", ban ngày trồng lúa mì, tối thức trắng đêm giã gạo nuôi quân. Đồng bào sóc Bom Bo một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.

Theo Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương, huyện là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng. Trên địa bàn có Quốc lộ 14 nối liền vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Phước Long trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đây cũng là nơi diễn ra trận đánh mở màn của chiến dịch “Đường 14 - Phước Long” đã giành thắng lợi ngày 14/12/1974, khai thông hành lang chiến lược Đường 14, mở đầu cho những chiến thắng tiếp theo, giải phóng Đồng Xoài, Phước Bình và tỉnh lỵ Phước Long; góp phần quan trọng vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ghi nhận những thành tích đạt được trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, huyện Bù Đăng và 5 xã gồm: Đồng Nai, Bom Bo, Thống Nhất, Nghĩa Trung, Đăk Nhau đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

* … thành điểm đến xanh, cuộc sống yên bình

Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được huyện Bù Đăng chú trọng đầu tư xây dựng. 
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Bù Đăng một mặt tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo và xây dựng cuộc sống mới, mặt khác đấu tranh với các phần tử Fulro và tàn dư ngụy quân, ngụy quyền chống lại chính quyền cách mạng. Đến tháng 11/1976, huyện được sáp nhập vào huyện Phước Long. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, hạ tầng còn nhiều hạn chế, dân cư ngày càng đông, kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn nên ngày 4/7/1988, Bù Đăng được tái lập theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), và cùng cả nước tiếp tục xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu cho biết, sau 50 năm giải phóng, địa phương từ một huyện miền núi, đất rộng, người thưa, hộ đói, nghèo, khó khăn chiếm tỷ lệ lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, “nắng bụi, mưa lầy”, đến nay, trên địa bàn đã có 16 xã, thị trấn với khoảng 150.000 dân. Tỷ trọng nông nghiệp tại thời điểm tái lập huyện chiếm 90%, nay giảm xuống còn gần 40%; tăng tỷ trọng công nghiệp lên hơn 26% và thương mại, dịch vụ 34%. Kinh tế tăng trưởng khá, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,31%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, đường liên xã được nhựa hóa, 100% đường liên thôn được cứng hóa, 99% số hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở tiếp tục được hoàn thiện; 99,85% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Huyện Bù Đăng chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. 
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, thời gian tới, địa phương xác định phát triển nông nghiệp là trọng tâm theo hướng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Huyện xác định công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu.

Bù Đăng chú trọng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt, phối hợp tốt đảm bảo mặt bằng thi công và đưa ra những định hướng, chiến lược, kế hoạch của huyện về phát triển kinh tế - xã hội khi có tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đi qua. Đồng thời, huyện xác định lộ trình để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở các xã còn lại gắn với giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng đó, địa phương tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đổi mới và có những bước đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội... Huyện chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp các dân tộc; phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống như: Lễ hội tiếng chày trên Sóc Bom Bo, các lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; khai thác tiềm năng du lịch từ những địa danh lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của huyện (như: Trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, thác Voi, Thác Pan Toong, Sóc Bom Bo…).

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng nhấn mạnh, địa phương sẽ đồng bộ các giải pháp mang tầm đột phá, phù hợp với nguồn lực và tính khả thi trong triển khai với khí thế và quyết tâm cao, đúng với phương châm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”.

Bù Đăng đạt được những kết quả trên là nhờ sự chung tay, góp sức của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự đồng lòng ủng hộ, đoàn kết, tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc. Với những kết quả đạt được qua 50 năm, tại Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng, địa phương đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Anh Điểu Mon (thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) phấn khởi cho biết, hiện nay, người dân Bom Bo được ổn định chỗ ở và nương rẫy sản xuất. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Nhà nào cũng có điện chiếu sáng. Đường bê tông, đường nhựa thông suốt nối liền từ xã đến thôn… Cuộc sống của người dân ổn định hơn.

Sau 50 năm giải phóng, với 31 dân tộc anh em đang sinh sống trong ngôi nhà chung, Bù Đăng đang vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với sự tin tưởng và hy vọng của nhân dân./.

Nguyễn Như Bình

Tin liên quan

Xem thêm