Thời sự

50 năm Thống nhất đất nước: Hòa giải, hòa hợp dân tộc - tiếng nói của người trở về

TP. Hồ Chí Minh

50 năm qua, với những nỗ lực và sự nhất quán trong chủ trương, chính sách về hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc đã mang lại những kết quả tích cực.

Đại diện kiều bào chụp ảnh lưu niệm sau lễ dâng hương Hồ Chủ tịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Trưa 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập ghi dấu chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Kể từ ngày đó, nửa thế kỷ đã qua cũng ghi dấu ấn của quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc của những người con Việt cùng đoàn kết chung tay vì sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hòa bình, ngày càng phát triển phồn vinh.

50 năm qua, với những nỗ lực và sự nhất quán trong chủ trương, chính sách về hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, vì những lý do khác nhau, đã có rất nhiều người Việt Nam rời quê hương để định cư ở nước ngoài. Nhiều năm qua, mỗi năm, hàng triệu lượt đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài đã trở về thăm quê hương và rất nhiều người trong số họ đã ở lại, đóng góp công sức cho một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Đó là minh chứng cụ thể cho tinh thần hòa hợp trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (87 tuổi), người chứng kiến tận mắt chiếc xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất hiện nay), dẫn bộ đội Giải phóng lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập và cũng là người dẫn lời cho tuyên bố đầu hàng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên Đài Phát thanh Sài Gòn trong ngày 30/4/1975. Sau ngày thống nhất, ông từng bôn ba nhiều năm ở nước ngoài, có quốc tịch Canada rồi trở về quê hương xin lại quốc tịch Việt Nam. Với ông, trong bộn bề sự kiện của ngày thống nhất, hình ảnh nhạc sỹ Trịnh Công Sơn hát vang bài “Nối vòng tay lớn” giữa anh em sinh viên, đại diện các giới người dân Sài Gòn tại Đài Phát thanh Sài Gòn là một ấn tượng không thể phai mờ mỗi khi nhớ lại ngày 30/4/1975 lịch sử ấy.

Ông Nguyễn Hữu Thái cho biết, những ca từ “Rừng núi dang tay nối lại biển xa. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la anh em ta về. Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng. Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam...” vang lên trên làn sóng phát thanh trong ngày thống nhất đã nói lên ý nghĩa to lớn của ngày 30/4/1975 - ngày chiến thắng của khát khao độc lập, thống nhất đất nước và tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc của những người con đất Việt cùng về chung dưới một mái nhà.

50 năm qua, dù sau ngày thống nhất có rất nhiều khó khăn nhưng giờ đây nhìn lại, mọi người Việt Nam trong nước và người Việt ở nước ngoài đều có quyền tự hào về những gì mà dân tộc Việt Nam đã có được. Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đó cũng là kết quả của một quá trình dân tộc Việt đã nỗ lực giải xung đột, xóa bỏ hận thù để cùng nhau bước vào kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, cùng xây dựng đất nước, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái chia sẻ.

Giáo sư Đặng Lương Mô, kiều bào Việt Nam ở Nhật Bản, là nhà khoa học đóng góp nhiều cho sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam. 
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Giáo sư Đặng Lương Mô (89 tuổi), người Việt Nam ở Nhật Bản, nhà khoa học nổi tiếng về vi mạch thời kỳ đầu đã trở về Việt Nam từ năm 2002. Từ đó đến nay, ông vẫn luôn miệt mài và có nhiều cống hiến, tham gia tích cực vào công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành điện tử tin học, vi mạch của Việt Nam. Ông đã được tặng Huân chương Lao Động hạng 3 (năm 2015), “Giải thưởng Vinh danh nước Việt” năm 2004… vì những đóng góp cho đất nước.

Từng sống, học tập và làm việc dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa trước kia, Giáo sư Đặng Lương Mô cho rằng, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc sau khi thống nhất đất nước là chuyện đương nhiên của mỗi dân tộc sau khi kết thúc chiến tranh. Hậu quả của chiến tranh lâu dài là khó hàn gắn nhưng một phương cách đối xử nhân văn sẽ giúp mọi người dân Việt xích lại gần nhau, xóa bỏ hận thù, sự khác biệt để tin tưởng, đoàn kết bên nhau.

“50 năm qua, hết súng đạn rồi, những người từng cầm súng khi xưa giờ cũng về với ông bà, nếu ai còn cũng đã già. Chúng ta là những người cùng dòng máu, cùng ngôn ngữ, cùng một ông tổ, cùng một bà mẹ tổ thì có gì mà không hòa giải, hòa hợp cùng nhau để cùng hướng đến hòa bình, hạnh phúc của mỗi người, của mọi người và toàn dân tộc. Bản thân tôi không gặp bất cứ vấn đề gì với chính quyền và tôi luôn suy nghĩ làm sao để có đóng góp cho đất nước. Cả đời tôi đã phấn đấu làm điều đó”- Giáo sư Đặng Lương Mô vui vẻ cho biết.

Giáo sư Hà Tôn Vinh (người Việt Nam ở Hoa Kỳ), một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, từng là trợ lý đặc biệt của Nhà Trắng từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Ronald Wilson Reagan (từ năm 1981 đến năm 1989) cũng đã trở về sinh sống, làm việc tại Việt Nam từ nhiều năm nay.

Giáo sư Hà Tôn Vinh (người Việt Nam ở Hoa Kỳ), chuyên gia về kinh tế, tài chính chia sẻ quá trình trở về tham gia xây dựng và phát triển đất nước. 
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng, ngày 30/4/1975 đánh dấu thời điểm thống nhất đất nước. Vượt qua những chia rẽ, thậm chí hận thù do hậu quả của mấy thập kỷ chiến tranh, đến nay, người Việt Nam ở nước ngoài đã công nhận, thừa nhận sự thống nhất của đất nước là cần thiết, đúng quy luật và phù hợp ý nguyện của mọi người dân cả nước.

Thành quả của sự thống nhất 50 năm qua là những dấu mốc, thành tựu đáng tự hào và người dân được thụ hưởng những lợi ích từ sự thống nhất. Kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân; vấn đề an sinh xã hội ngày càng tốt hơn và những thành tựu chung của Việt Nam đã được thế giới thừa nhận.

“Tôi có thể coi là người thành đạt ở Hoa Kỳ nhưng tôi không ở Hoa Kỳ mà lại trở về Việt Nam bởi tôi là người Việt. Tôi trở về với mong muốn làm gì đó để đóng góp cho đất nước" - Giáo sư Hà Tôn Vinh nói.

Những tâm sự chân thành của Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, Giáo sư Đặng Lương Mô, Giáo sư Hà Tôn Vinh khi nói về quyết định trở về đất nước để được hít thở bầu không khí quê hương, được sống giữa đồng bào cùng nguồn cội, được làm việc và cống hiến cho Tổ quốc dù chỉ bằng những lời nói nhẹ nhàng, giản dị nhưng vẫn toát lên tình yêu đất nước vô bờ bến, mang đậm khí chất truyền thống của những người con Việt và sự bao dung, luôn đón đợi của đất Mẹ với tất cả những người con từ phương xa.

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, từng trải qua những sóng gió cuộc đời, từng là những người có vị thế, có chỗ đứng trong xã hội nơi xứ người, họ đã trở về như những ví dụ sống động cho tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, sự đoàn kết với lợi ích dân tộc, gốc rễ đồng bào làm điểm tựa của mọi người dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đúng như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Quan điểm nhất quán đó đã và đang được Nhà nước ta triển khai trên thực tế và cũng đã mang lại những hiệu quả tích cực. Minh chứng rõ nhất là sự có mặt của hơn 400 dự án của kiều bào tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD; hàng trăm chuyên gia, trí thức kiều bào về nước làm việc dài hạn; nguồn kiều hối đạt 16 tỷ USD trong năm 2024 và hàng triệu người Việt ở nước ngoài vẫn luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng đóng góp sức mình cho một tương lai Việt Nam hùng cường, giàu mạnh./.

Nguyễn Xuân Khu

Xem thêm