Thời sự

50 năm Thống nhất đất nước: Ký ức hào hùng Ngày giải phóng vùng đất "hoa vàng cỏ xanh”

Phú Yên

Mùa xuân 1975, trên chiến trường Phú Yên, quân và dân ta đã đánh trên 400 trận, tổng cộng quân địch bị tiêu diệt, bị bắt sống...là 40.432 tên.

Ngày 1/4/1975 là dấu mốc lịch sử quan trọng với tỉnh Phú Yên - Ngày giải phóng vùng đất này. Từ đó đến nay, 50 năm đã trôi qua, quân và dân Phú Yên luôn tự hào về trang sử hào hùng đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước (1954-1975) của Phú Yên ghi rõ: Đêm 31/3/1975, tỉnh thành lập Ủy ban quân chính gồm 23 đồng chí và đoàn tiếp quản thị xã Tuy Hòa trên 100 đồng chí với 10 ban chuyên môn có phương án tiếp quản, ứng trực ở ven thị xã để khi giải phóng thì tiến vào kịp thời. Ở các quận cũng thành lập Ủy ban quân chính để tiếp quản.

5 giờ ngày 1/4/1975, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 320) nổ súng tấn công, bắn trúng trận địa pháo của địch đặt trên núi Nhạn Tháp. Cùng lúc, xe tăng của ta xuất kích diệt địch đóng giữ tại cầu Ông Chừ rồi phát triển theo đường Trần Hưng Đạo, đánh thẳng xuống phía Nam của tỉnh… Đến 7 giờ, quân ta đã làm chủ được thị xã cùng quần chúng nổi dậy truy lùng tàn quân địch…

Tiểu đoàn 96 từ khu vực Qui Hậu, Phước Khánh, bắt sống hàng trăm tên địch. Trung đoàn 3 (Sư đoàn 320) tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch ở Phú Lâm, Đông Tác, cầu Bàn Thạch, Đèo Cả. Đại đội 377 bắt sống Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm – Phó Tư lệnh quân đoàn 2 ngụy (chỉ huy lực lượng ngụy quân Sài Gòn rút chạy).

Ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, thời điểm đó là thành viên Ủy ban Quân quản của huyện Tuy Hòa 1 (nay là thành phố Tuy Hòa) kể lại, Ủy ban Quân quản khi đó không có trụ sở mà phải mượn tạm một tiệm cắt tóc của người dân để làm việc. Sở dĩ chọn nơi này là vì tiệm có chiếc ghế băng dài để ngồi, có sân rộng. Khi các đồng chí du kích đưa Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm vào, hắn có dáng người cao, cắt tóc 3 phân, mặc áo caro lớn, đeo kính trắng, nói mình là sĩ quan cấp tướng nên phải gặp được người có chức vụ cao nhất của quân giải phóng. Bằng thái độ nghiêm nghị, ông Nguyễn Thành Quang nói Trần Văn Cẩm rằng: "Ông là tù binh và không có quyền đưa ra yêu sách. Ông hãy viết lời thú nhận bại trận và kêu gọi binh lính cấp dưới đầu hàng…". Sau một hồi cắm cúi viết, Trần Văn Cẩm đưa giấy cho ông Quang và  đại diện Ủy ban Quân quản của huyện Tuy Hòa 1 Nguyễn Thành Quang yêu cầu tù binh Cẩm đọc lại những điều mình vừa viết.

Ông Nguyễn Thanh Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, kể lại chuyện bắt Tướng Ngụy quyền Sài Gòn Trần Văn Cẩm thừa nhận bại trận. 
Ảnh: Xuân Triệu – TTXVN

Ông Quang cũng nhớ lại, các đồng chí trong Ủy ban Quân quản huyện Tuy Hòa 1 đã tìm mượn một chiếc máy Cassette Hitachi để ghi âm lời thú nhận bại trận của Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm. Lời thú nhận ấy được cán bộ Ủy ban Quân quản sang ra nhiều băng rồi giao cho các đội công tác mang đi phát trên loa phát thanh dọc quốc lộ 1A vào tận đèo Cả... Biết rằng không thể kháng cự lại quân giải phóng, nhiều sĩ quan, binh lính ngụy quyền Sài Gòn đã buông súng đầu hàng, ra trình diện.

9 giờ 30 phút ngày 1/4, quân ta giải phóng thị xã Tuy Hòa, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Tháp Nhạn. Đúng 10 giờ ngày 1/4, toàn tỉnh Phú Yên được hoàn toàn giải phóng.

Mùa xuân 1975, trên chiến trường Phú Yên, quân và dân ta đã đánh trên 400 trận, tổng cộng quân địch bị tiêu diệt, bị thương, bị bắt sống, rã ngũ ra trình diện là 40.432 tên, trong đó có 6.740 phòng vệ dân sự.

Từ đó, ngày 1/4/1975 trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng: Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên. Thắng lợi của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Phú Yên là sáng tạo nhiều phương pháp cách mạng thích hợp với tình hình, là thắng lợi của truyền thống chống ngoại xâm, tinh thần yêu nước, yêu quê hương.

Bà Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên khẳng định, 50 năm đất nước được thống nhất và 36 năm tái lập tỉnh, một chặng đường trong lịch sử hơn 410 năm hình thành và phát triển vùng đất Phú Yên, là thời kỳ đạt được nhiều kết quả to lớn, thành tựu đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển của tỉnh.

Vượt qua nhiều khó khăn, Phú Yên vươn mình thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo; tăng trưởng kinh tế của địa phương luôn duy trì ở mức khá. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của địa phương đạt 6,17%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 70,7 triệu đồng/năm (tăng 8,37% so với năm 2023). Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực… Phú Yên giờ đây được đông đảo bạn bè trong và ngoài nước biết đến là “vùng đất hoa vàng trên cỏ xanh”, điểm đến hấp dẫn, thân thiện và nghĩa tình./Video

Video Clip
Vũ Xuân Triệu

Tin liên quan

Xem thêm