50 năm Thống nhất đất nước: Khánh thành Khu tưởng niệm, tri ân giáo viên, học sinh hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã
Đây là công trình ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (ngày 3 và 4/4/1965 - 3 và 4/4/2025).
Tưởng niệm, tri ân giáo viên, học sinh đã hy sinh và những người vượt qua mưa bom bão đạn để làm nhiệm vụ đắp đê, giữ đê sông Mã trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, sáng 31/3, thành phố Thanh Hóa đã tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã ngày 14/6/1972, tại phường Nam Ngạn. Đây là công trình ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (ngày 3 và 4/4/1965 - 3 và 4/4/2025).
Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14/6/1972 tại đê sông Mã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt vào tháng 1/2023, tổng mức đầu tư hơn 125 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là hơn 60 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố là gần 65 tỷ đồng. Công trình tưởng niệm được đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 2 ha, với điểm nhấn là tượng đài giáo viên, học sinh cao khoảng 18 m, được điêu khắc bằng đá granite tự nhiên cùng các hình ảnh tái hiện quân dân Nam Ngạn hiệp đồng chiến đấu, cứu chữa thương binh. Ngoài ra, Khu tưởng niệm còn có miếu thờ, bia, bến thuyền lịch sử, khu tái hiện không gian làng quê Nam Ngạn truyền thống, không gian nghệ thuật sắp đặt, lan can, cây xanh, điện chiếu sáng...
Khu tưởng niệm được khánh thành và đi vào hoạt động sẽ gắn kết với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khác tại thành phố Thanh Hóa như: Cầu Hàm Rồng, núi Ngọc, trận địa pháo cao xạ C4, đồi “Quyết thắng”, tượng đài Thanh niên xung phong chiến thắng, tượng đài Nam Ngạn chiến thắng, đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ... Công trình hứa hẹn sẽ trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút du khách khi đến thành phố Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Hơn 50 năm trước, vào đầu năm 1972, trước nguy cơ phá sản hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ điên cuồng huy động không quân, hải quân, nhất là "pháo đài bay" B52 tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc. Thị xã Thanh Hóa (thành phố Thanh Hóa bây giờ) và khu vực cầu Hàm Rồng - đê sông Mã liên tục là trọng điểm đánh phá của không quân, pháo hạm địch. Mùa mưa năm 1972, nước sông Mã dâng cao, cùng với trước đó, đế quốc Mỹ đã bắn phá cầu Hàm Rồng, làm đê sông Mã bị tàn phá nghiêm trọng khiến nguy cơ vỡ đê, ngập lụt là rất lớn. Để bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch phục vụ chiến trường miền Nam và phòng, chống lũ lụt, ngay trong thời điểm máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, tỉnh Thanh Hóa huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đoạn đê sông Mã xung yếu, vị trí đắp đê sông Mã cách cầu Hàm Rồng khoảng 1 km.
Khoảng 8 giờ ngày 14/6/1972, máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện ném bom tới tấp vào công trường đắp đê sông Mã, đoạn bờ hữu sông từ khu vực Nam Ngạn đến cầu Hàm Rồng. Lúc đó, trên công trường có hơn 2.000 người là giáo viên, sinh viên, học sinh và dân công của một số huyện lân cận vì những lực lượng khác đã tham gia vào các đơn vị chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Sau trận ném bom kinh hoàng đó, 64 thầy, cô giáo, học sinh trường Y sỹ, trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa hy sinh ngay trên công trường đắp đê sông Mã, hầu hết những người tham gia công trường còn sống đều bị thương. Những giáo viên, học sinh ngã xuống như bài ca bất tử, mãi mãi tuổi thanh xuân, cùng với máu xương của biết bao liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã viết nên bản anh hùng ca “Hàm Rồng chiến thắng” - niềm tự hào của quân dân Thanh Hóa và quân dân cả nước.
Trong dịp này, thành phố Thanh Hóa cũng đã tổ chức lễ cầu siêu, tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, các cán bộ, giáo viên, học sinh hy sinh do máy bay Mỹ đánh phá công trường đắp đê sông Mã trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc./.
- Từ khóa:
- Khánh thành
- Khu tưởng niệm
- Nam sông Mã