50 năm Thống nhất đất nước: Vùng đất lịch sử Xuyên Mộc - thủ phủ du lịch Đông Nam Bộ
Không chỉ mang giá trị lịch sử sâu sắc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan tuyệt đẹp, bờ biển dài 32 km cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh Bình Châu-Phước Bửu rất đa dạng, phong phú.
Sự kiện di tích Bến tàu không số Lộc An (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào cuối tháng 11/2024 đã khẳng định giá trị lịch sử của địa danh này. Cùng với những tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, những năm qua, Xuyên Mộc vươn mình mạnh mẽ thành một thủ phủ du lịch của cả vùng Đông Nam Bộ.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, “đường Hồ Chí Minh trên biển” là một huyết mạch quan trọng vận chuyển vũ khí, khí tài cung cấp cho chiến trường miền Nam. Nằm bên cửa sông Ray, bến tàu không số Lộc An là một trong những điểm tiếp nhận vũ khí đặc biệt quan trọng. Trong giai đoạn 1963-1964, ba chuyến tàu không số của Đoàn 125 Hải quân đã cập bến thành công, vận chuyển tổng cộng 134 tấn vũ khí chi viện cho quân dân miền Đông Nam Bộ, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội như Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng.
Năm 1995, Bến tàu không số Lộc An được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và đến ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng nơi đây là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Ngày nay, bia tưởng niệm tại bến tàu Lộc An không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử oai hùng của dân tộc mà còn trở thành điểm đến thu hút du khách, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Không chỉ mang giá trị lịch sử sâu sắc, Xuyên Mộc còn được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan tuyệt đẹp, bờ biển dài 32 km cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh Bình Châu-Phước Bửu rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, các điểm đến nổi tiếng như bãi tắm Hồ Tràm, biển Hồ Cốc hay suối nước khoáng nóng Bình Châu đã tạo nên sức hút đặc biệt cho du lịch nơi đây.
Phát huy giá trị của di tích và những tiềm năng đó, những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc đã triển khai nhiều biện pháp như phát triển hệ thống giao thông, quy hoạch không gian du lịch, tôn tạo di tích, thu hút đầu tư, cho thuê môi trường rừng, phát triển ngành, làng nghề truyền thống… để thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện có 48 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, có 19 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai. Những khu du lịch quy mô lớn như The Grand Hồ Tràm, Vietsovpetro Resort, Melia at the Hampton, Khu du lịch Sài Gòn - Hồ Cốc, Camelina… đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo diện mạo mới cho du lịch Xuyên Mộc.
Năm 2024, huyện Xuyên Mộc được chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, quốc gia và cả quốc tế như Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024; Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Đại nhạc hội Charm Fantasy; Giải đua DNSE Aquaman Việt Nam; những giải võ thuật quốc tế…
Từ năm 2021 đến nay, Xuyên Mộc đón hơn 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 414 ngàn lượt, đạt tổng doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu lưu trú hơn 6.600 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ khác hơn 10.600 tỷ đồng. Riêng năm 2024, huyện đón hơn 3,34 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 10% so với năm trước, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 4.400 tỷ đồng.
Những bước tiến vượt bậc của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy kinh tế huyện tăng trưởng mạnh mẽ, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, năm 2024, Xuyên Mộc đạt và vượt 17/18 chỉ tiêu kinh tế, thu ngân sách tăng mạnh, đạt hơn 2.110 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã có bác sỹ khám chữa bệnh, 100% xã, thị trấn đều đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 95%. Có 50/58 trường đạt trường chuẩn Quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giảm còn 0,74%.
Tiếp tục phát huy tối đa lợi thế về du lịch của địa phương, những năm gần đây, nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối với Xuyên Mộc đã và đang được triển khai xây dựng như: nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển ĐT994 kết nối Vũng Tàu với huyện Xuyên Mộc và tỉnh Bình Thuận quy mô 6 - 8 làn xe; nâng cấp các tuyến đường Tỉnh lộ 328, 329, 992 nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng… giúp du khách dễ dàng tiếp cận các khu vui chơi, nghỉ dưỡng tại Xuyên Mộc và tạo thuận lợi cho những tour du lịch ngắn ngày đến các khu vực xung quanh.
Đầu năm 2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề xuất xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với Hồ Tràm. Đề xuất này đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận về chủ trương, yêu cầu địa phương khẩn trương triển khai các thủ tục, hứa hẹn tạo ra "cú huých" lớn cho du lịch Xuyên Mộc.
Bà Lê Thị Trang Đài cho biết thêm, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Xuyên Mộc đang tập trung phát triển du lịch sinh thái để khai thác lợi thế của rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu và suối nước nóng Bình Châu theo hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng cao cấp; đồng thời, hình thành các khu dịch vụ du lịch quy mô lớn thông qua kêu gọi đầu tư khu thương mại - dịch vụ Hồ Tràm (156 ha), trung tâm mua sắm và ẩm thực Hồ Tràm (10 ha), mở rộng công viên bãi tắm Hồ Tràm, phát triển kinh tế đêm… Huyện tăng cường quảng bá du lịch theo hướng Xuyên Mộc trở thành nơi tổ chức các sự kiện du lịch quốc tế, đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tăng trải nghiệm cho du khách, hỗ trợ đặt phòng, hướng dẫn tham quan thông minh, xây dựng hình ảnh du lịch chuyên nghiệp để hút khách quốc tế.
Từ một bến tàu không số huyền thoại, một vùng đất nghèo, đến nay, Xuyên Mộc đã vươn lên trở thành một thủ phủ du lịch quan trọng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cả vùng Đông Nam Bộ. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, dịch vụ du lịch, Xuyên Mộc đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến lý tưởng với sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, lịch sử và các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, từng ngày khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến quốc tế trong tương lai gần./.