Các địa phương đã triển khai mạnh mẽ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhằm cải thiện điều kiện sống cho hộ dân nghèo và cận nghèo, thể hiện cam kết của tỉnh trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
50 năm Ngày đất nước thống nhất, nhiều hộ dân khó khăn về nhà ở tại Đắk Nông và Hậu Giang có thêm niềm vui khi được ở trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố hơn.
*Kịp thời hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống
Gia đình chị Giàng Thị Pàng, thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa là một trong hàng trăm hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ kinh phí từ nguồn xóa nhà tạm, nhà dột nát của Nhà nước (60 triệu đồng). Gia đình chị góp thêm hơn 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà kiên cố. Sau gần 20 năm từ Lạng Sơn vào Đắk Nông lập nghiệp, gia đình chị cũng đã có thể xây dựng một căn nhà để an cư lạc nghiệp.
“Ngay từ đầu năm, đại diện xã, thôn đã tích cực phối hợp với gia đình khởi công xây dựng căn nhà. Tận dụng thời tiết mùa khô, gia đình cũng làm nhanh, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng trước khi bắt đầu mùa mưa. Thật vui là căn nhà hoàn thành sớm hơn dự định khoảng 1 tháng và đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chị Giàng Thị Pàng chia sẻ.
Ông Hoàng Trung Hiếu, Trưởng thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia cho biết: cùng với gia định chị Pàng, trong thôn còn có 2 gia đình khác được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là chương trình thiết thực, kịp thời để bà con ổn định nhà ở, an cư lạc nghiệp trên quê hương mới Đắk Nông.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Bạc, trú tại thôn 3, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp cũng vừa hoàn thành và chuyển vào sinh hoạt trong căn nhà cấp 4 kiên cố. Đây là ngôi nhà được xây dựng lên từ nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh, gia đình đóng góp thêm và được chính quyền địa phương hỗ trợ về nhân công.
Theo Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Đắk Nông và ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã được thành lập, kiện toàn vào cuối năm 2024 đã phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai thực hiện chương trình một cách quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Toàn tỉnh Đắk Nông có gần 1.400 căn nhà được xây mới và gần 400 căn nhà được sửa chữa, với tổng kinh phí xây mới, sửa chữa gần 120 tỷ đồng (chưa kể nguồn đóng góp, hỗ trợ thêm, đối ứng của các gia đình được thụ hưởng, các nhà hảo tâm).
Đầu tháng 3/2025, Đắk Nông đã khởi công xây mới 113 căn nhà cho những trường hợp cấp thiết về nhu cầu nhà ở (đợt 1/2025). Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành, giúp các hộ dân có nhà mới kiên cố. Từ kết quả này, các địa phương sẽ có thêm động lực, quyết tâm để hoàn thành sớm chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (dự kiến trước ngày 31/12/2025).
*Tạo động lực vươn lên
Tại lễ bàn giao nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh diễn ra ngày 28/4, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay tỉnh đã hoàn thành 95% kế hoạch xóa nhà tạm trên địa bàn, với 7/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình. Tỉnh phấn đấu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025.
Hậu Giang đã triển khai mạnh mẽ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhằm cải thiện điều kiện sống cho hộ dân nghèo và cận nghèo, thể hiện cam kết của tỉnh trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tỉnh Hậu Giang kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tiếp tục đồng hành, đóng góp nguồn lực và công sức để chương trình hoàn thành đạt hiệu quả cao. Các cơ quan chức năng cam kết sử dụng nguồn hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Là một hộ được nhận nhà tại lễ bàn giao nhà, ông Lê Minh Dũng, phường 1, thành phố Vị Thanh cho biết, đây là một ngày đặc biệt đối với gia đình. Ông rất xúc động và cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp lãnh đạo đã giúp đỡ. Ngôi nhà này không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là động lực để gia đình tiếp tục nỗ lực trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển.
Toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 2.600 hộ cần hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 2.004 hộ nghèo và cận nghèo, với tổng kinh phí hơn 125 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn vận động xã hội hóa.
Điểm nổi bật của chương trình tại Hậu Giang là sự vào cuộc của cả cộng đồng, từ chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể đến người dân. Đây chính là tinh thần "lá lành đùm lá rách" được cụ thể hóa thành hành động thiết thực. Không chỉ xây dựng nhà ở, địa phương còn kết hợp hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, vay vốn sản xuất cho các hộ được giúp đỡ, tránh tình trạng tái nghèo và tạo điều kiện cho người dân tự lực vươn lên./.