Môi trường

Trao quyền cho nữ giới tham gia và quản lý ngành Nước

Theo dữ liệu từ 45 công ty ngành Nước được khảo sát cho thấy, nữ giới chiếm 33% tổng lực lượng lao động trong toàn ngành. Như vậy, tỷ lệ nữ giới làm việc trong ngành mới chỉ chiếm 1/3 tổng lực lượng lao động, đặc biệt là ở các vị trí quản lý và điều hành, khi nữ giới chỉ chiếm từ 7 đến 14%.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam tổng quan khảo sát bình đẳng giới trong ngành Nước Việt Nam. 
Ảnh: TTXVN phát

Trao quyền cho nữ giới tham gia và lãnh đạo ngành Nước là một trong những nội dung được đề cập nhiều tại hội thảo về “Bình đẳng giới trong ngành Nước Việt Nam” do Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức chiều 7/11, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa, giá trị mang lại cho phụ nữ nói chung và các doanh nghiệp ngành Nước nói riêng nhằm phát huy năng lực, vai trò của phụ nữ trong phát triển của doanh nghiệp và bảo đảm bình đẳng giới. Đây là kết quả của Biên bản ghi nhớ, ký ngày 17/9/2023 giữa VWSA và ADB về hợp tác, hội nhập, phát triển toàn diện, bao trùm giữa hai bên nhằm hướng đến hoạt động an toàn bền vững.

Tổng quan khảo sát bình đẳng giới trong ngành Nước Việt Nam, Tiến sỹ Hạ Thúy Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, theo dữ liệu từ 45 công ty ngành Nước được khảo sát cho thấy, nữ giới chiếm 33% tổng lực lượng lao động trong toàn ngành. Như vậy, tỷ lệ nữ giới làm việc trong ngành mới chỉ chiếm 1/3 tổng lực lượng lao động, đặc biệt là ở các vị trí quản lý và điều hành, khi nữ giới chỉ chiếm từ 7 đến 14%. Ngoài ra, nữ giới vẫn chưa được tham gia đầy đủ vào các trục hoạt động then chốt trong lĩnh vực sản xuất, quản lý cấp, thoát nước. Điều này đặt ra thách thức, lãng phí về nguồn nhân lực và phát triển sản xuất khi ngành chưa tận dụng hết năng lực, kinh nghiệm và quan điểm đa dạng mà phụ nữ có thể mang lại, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiến sỹ Hạ Thúy Hạnh đề xuất tăng cường sự hiện diện của lãnh đạo nữ trong các cơ quan, tổ chức quốc tế, công ty cấp thoát nước nhằm thực thi các sáng kiến, chính sách và chương trình đào tạo về bình đẳng giới, hướng đến nâng cao nhận thức và xây dựng kỹ năng thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trong các công ty nước. Cùng với đó, thiết lập các chỉ số về bình đẳng giới trong ngành Nước để các công ty tự đánh giá và nâng cao năng lực.

Bà Amanda Satterly, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) về giới và phát triển, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ảnh: TTXVN phát

Về phía ADB, bà Neeti Katoch, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á dẫn chứng kết quả nghiên cứu “Tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Nước ở Việt Nam” cho thấy, tại các doanh nghiệp, tỷ lệ lao động nữ tham gia làm việc và lãnh đạo doanh nghiệp, đưa ra các quyết định quan trọng chiếm chưa đến 17%. Trong khi đó, phụ nữ và trẻ em gái là những người tiếp xúc, am hiểu và có điều kiện nắm bắt thông tin, tầm nhìn quản trị khá tốt liên quan đến chương trình nước sạch và quản lý nước. Rào cản này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như văn hóa, tập quán, thể chế… Đây là các khoảng trống về bình đẳng giới cần được bổ sung, lấp đầy và phát huy nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong vận hành, phát triển ngành Nước.

Ông Ron Slagen, Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho biết, nước và thúc đẩy bình đẳng giới là các ưu tiên hoạt động trong chiến lược của Ngân hàng Phát triển châu Á đến năm 2030. Các ưu tiên này cũng được phản ánh trong Biên bản ghi nhớ được Ngân hàng Phát triển châu Á ký với Hiệp hội Cấp Thoát nước Việt Nam ngày 27/9/2023. Ông Ron Slagen cũng khẳng định, Ngân hàng Phát triển châu Á cam kết tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở châu Á-Thái Bình Dương thông qua các dự án có bao gồm yếu tố giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới tại các Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh Đồng Nai, Long An, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý nước sạch nông thôn; đề xuất giải pháp lấp đầy khoảng trống thiếu hụt lao động nữ giới và cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Nước./.

Trần Diệu Thúy

Xem thêm