Tại các trung tâm bảo trợ xã hội, với những trường hợp còn gia đình và có nguyện vọng về gia đình ăn Tết, Trung tâm sẽ liên hệ với người thân và hỗ trợ tiền ăn, tiền xe đưa đón.
Sáng 23/1, tại Khu Di tích lịch sử Ông Hào, xã Trường Long, huyện Phong Điền, Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ phối hợp cùng UBND hai huyện Phong Điền và Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Xuân yêu thương - lần thứ VIII năm 2025”. Đây là năm thứ 8 chương trình Xuân yêu thương được tổ chức luân phiên tại hai huyện Phong Điền và Châu Thành A.
Ban Tổ chức đã trao 350 phần quà cho các hộ gia đình chính sách, cựu chiến binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Phong Điền, huyện Châu Thành A, Ban Liên lạc cựu chiến binh của tiểu đoàn Tây Đô, Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 1 U Minh (quân khu 9). Những phần quà là lời tri ân, nguồn động viên, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức đối với những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì sự phát triển vững bền của thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang ngày nay.
Xã Trường Long trước đây là địa bàn đóng chân của lực lượng vũ trang Quân khu 9 và tỉnh Cần Thơ cũ suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Theo Đại tá Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân, dân nơi đây đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt như: trận Vàm Bi “tay không lấy đồn giặc”, trận Ông Hào lừng lẫy chiến công của Tiểu đoàn Tây Đô tiêu diệt 600 tên địch,... Đặc biệt, trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Trường Long là hậu phương vững chắc, nuôi chứa cán bộ, bộ đội, là nơi tập kết bộ đội làm bàn đạp vượt Lộ Vòng Cung, tiến công giải phóng Cần Thơ năm 1975.
Trường Long năm xưa trung dũng, kiên cường cũng là nơi trải qua những năm tháng khốc liệt khi địch đánh phá ác liệt, nhằm cách ly người dân ra khỏi vùng kháng chiến, cắt đứt liên lạc giữa quần chúng với tổ chức cách mạng. Giữa lúc hiểm nguy gian khổ đó, tình quân, dân được phát huy, bộ đội vẫn được sống giữa lòng dân, được dân tin yêu, đùm bọc, chở che.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng còn rất nhiều cựu chiến binh, người có công với cách mạng vẫn còn mang trên mình vết thương của một thời bom đạn, nhiều gia đình chịu mất mát, ly tan trong những trận đạn bom hủy diệt.
Vì thế, Đại tá Huỳnh Thanh Phương khẳng định, chăm sóc, quan tâm người có công vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Ở thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, nhiều năm qua, mỗi địa phương, đơn vị... đã và đang có những cách làm khác nhau, nhưng đều có điểm chung là bằng tất cả nhiệt huyết của mình, thực hiện những việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả; trong đó có chương trình "Xuân yêu thương" đã được thực hiện và duy trì trong suốt những năm qua.
*Lâm Đồng: Chi gần 46 tỷ đồng trợ cấp Tết Nguyên đán Ất tỵ cho các đối tượng xã hội
Để thực hiện các nội dung trợ giúp xã hội, trợ cấp Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo..., Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng đã chi gần 46 tỷ đồng.
Theo đó, các địa phương đã khẩn trương thực hiện việc trợ cấp Tết Nguyên đán Ất tỵ cho 26.637 đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng số tiền 24,7 tỷ đồng. Các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đến thăm, tặng quà 28 đối tượng người có công tiêu biểu của tỉnh để, mỗi xuất quà trị giá trên 4,2 triệu đồng. Quà của Chủ tịch nước cũng được trao tới 8.247 đối tượng Người có công. Ngoài ra, Ban Nội chính Trung ương đã trao tặng 40 xuất quà cho người có công tại huyện Đức Trọng…
Các địa phương đang tiến hành lập danh sách và tổ chức chi hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 24.403 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và 405 người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Trong dịp Tết này, mỗi đối tượng bảo trợ xã hội được chi hỗ trợ 600 nghìn đồng. Các địa phương cũng tổ chức lập danh sách và chi hỗ trợ Tết Nguyên đán cho gần 2.200 hộ nghèo và gần 4.400 hộ cận nghèo.
Đáng chú ý, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 155 cụ già tròn 100 tuổi. Có 976 cụ tròn 90 tuổi cũng nhận được quà chúc thọ.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán này, gần 200 doanh nghiệp đã có báo cáo tình hình lương, thưởng Tết cùng các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động. Trong đó mức thưởng Tết bình quân của các loại hình doanh nghiệp là 6,87 triệu đồng cho 1 người lao động. Mức thưởng cao nhất là 150,3 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp dân doanh. Mức thưởng thấp nhất là 100 nghìn đồng.
Hiện tại, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động đón Tết Nguyên đán với chủ đề “Tết sum vầy, Xuân gắn kết”. Theo đó, các hoạt động được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, tạo sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ấm cúng cho toàn thể học viên như dựng cây nêu, trang trí linh vật năm, chương trình văn nghệ, phát phiếu thưởng…
Tại các trung tâm bảo trợ xã hội, với những trường hợp còn gia đình và có nguyện vọng về gia đình ăn Tết, Trung tâm sẽ liên hệ với người thân và hỗ trợ tiền ăn, tiền xe đưa đón. Các đối tượng ở lại được ăn Tết theo tiêu chuẩn Nhà nước và bổ sung thêm từ nguồn tài trợ, nguồn ngân sách cấp để đảm bảo đầm ấm, vui vẻ, an toàn…/.
- Từ khóa:
- "Xuân yêu thương"
- gia đình
- chính sách
- hộ nghèo