Tri ân những đóng góp của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi
Hải Dương có trách nhiệm lớn lao trong việc phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc, nổi bật toàn cầu của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, giá trị những tư tưởng trường tồn của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Sáng 18/9 (16 tháng 8 năm Giáp Thìn), tại Đền thờ Nguyễn Trãi thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1442 - 2024).
Đọc diễn văn tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng nêu rõ, Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh, nguyên quán ở làng Chi Ngại (nay là phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau rời đến làng Ngọc Ổi (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Thân mẫu là Trần Thị Thái, con gái của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Tuổi thơ Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Khi ông ngoại qua đời, Nguyễn Trãi về ở với cha tại Nhị Khê. Được ông ngoại và cha trực tiếp dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi sớm nổi tiếng tài đức và chí lớn, năm 1400, Nguyễn Trãi sớm đỗ Thái học sinh và năm sau ra nhận chức Ngự sử đài Chánh trưởng dưới triều Hồ, bậc chánh tam phẩm. Từ năm 1407, nhà Hồ suy yếu, đất nước chịu ách đô hộ của giặc Minh, căm phẫn quân thù, sục sôi tinh thần yêu nước, Nguyễn Trãi đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, dốc tâm huyết, một lòng thành giúp Lê Lợi.
Ông là nhân tố quan trọng, là linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh vào thế kỷ XV. Nguyễn Trãi đã viết "Bình Ngô Đại cáo" - một bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, áng thiên cổ hùng văn để tổng kết tài tình cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Sau đó, Nguyễn Trãi tiếp tục hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội dưới triều Lê và đã có công lớn xây dựng nền tảng kinh tế - xã hội, sự hòa hợp giữa “Nước và Dân”, nguồn lực xây dựng đất nước Đại Việt vững mạnh đương thời.
Dưới thời vua Lê Thái Tông, ông đã được vua giao trông coi đạo Đông - Bắc. Côn Sơn cũng là nơi ông dựng nhà, mài mực viết lên nhiều tác phẩm có giá trị sử học, văn học, triết học, quân sự, ngoại giao và trở thành những di sản quý báu cho hậu thế mà tiêu biểu là “Côn Sơn ca”. Côn Sơn, nơi ông đã chọn về trí sĩ, được giao trông coi chùa Tư Phúc, ông đã góp sức tu bổ, mở rộng quy mô đưa ngôi chùa trở thành đại danh lam thắng cảnh. Nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh (1380 - 1980), Nguyễn Trãi được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới...
Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng nêu rõ, khi nói về Côn Sơn là người dân nhớ về Nguyễn Trãi - vầng “Sao Khuê” lấp lánh trong lịch sử dân tộc. Tưởng nhớ Ức Trai, người dân cả nước, trong đó có Hải Dương thấy được trách nhiệm lớn lao trong việc phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc, nổi bật toàn cầu của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, giá trị những tư tưởng trường tồn của ông. Đây là thành phần quan trọng của hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc mà 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đang trình UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.
Sau phần nghi lễ, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, nhân dân và du khách đã thành kính dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; dâng hương tại đền thờ Quan đại tư đồ Trần Nguyên Đán, cầu cho quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Trước đó, lễ rước văn từ chùa Côn Sơn sang đền thờ Nguyễn Trãi đã diễn ra trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức của nhà Phật và nghi lễ truyền thống.
Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục kêu gọi các vị đại biểu, người dân, du khách chung tay đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ đồng bào, nhân dân Hải Dương và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nhanh chóng vượt qua mất do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống./.