Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm; nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.
TTXVN - Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên.
Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng các Bộ và Thủ trưởng cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi sát tình hình, tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.
*Diễn biến hạn mặn phức tạp và khả năng kéo dài
Theo dự báo nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè; nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Long An cho biết, mùa khô 2024 xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng thuộc các huyện vùng hạ của tỉnh, với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo đó, các xã Long Cang, Long Định (huyện Cần Đước) có khoảng 380 hộ (thuộc khu vực do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên và Xây dựng Hoàng Long chịu trách nhiệm cấp nước) bị thiếu nước do không đủ lượng nước cung cấp. Khu vực các xã Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Lại… huyện Cần Giuộc có khoảng 4.618 hộ thiếu nước.
Là huyện cù lao nằm trên sông Tiền tiếp giáp biển Đông, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hàng năm. Mùa khô năm nay, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu về phía thượng lưu sông Tiền khiến huyện bị bao vây bốn bề nước mặn. Sản xuất và đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nước sinh hoạt. Toàn huyện hiện có hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Huyện Tân Phú Đông hiện có 3 ao trữ nước ngọt đã trữ được gần 101.000 m3 nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong mùa khô 2023 – 2024. Tuy nhiên, theo dự kiến, lượng nước trên chỉ đủ dùng trong tối đa khoảng 30 ngày nhưng diễn biến hạn mặn còn phức tạp và khả năng kéo dài.
Huyện Duy Xuyên là một trong ba địa phương có diện tích lúa Đông Xuân nhiều nhất của tỉnh Quảng Nam. Vụ Đông Xuân năm nay, địa phương gieo sạ gần 500 ha lúa, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tưới của trạm bơm điện 19/5. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 3 đến nay, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào bể hút của trạm bơm điện 19/5 với nồng độ khá cao khiến công trình thủy lợi trọng yếu này hoạt động cầm chừng không thể phục vụ tưới tiêu. Hiện đang là thời kỳ cây lúa làm đòng nên việc thiếu nước tưới khiến người dân lo lắng.
Ông Lưu Văn Dũng, ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông sản xuất 6 sào lúa, nguồn nước chủ yếu lấy từ sông Thu Bồn qua Trạm bơm điện 19/5. Nước mặn liên tục xâm nhập đang ảnh hưởng quá trình phát triển của cây lúa.
Dự báo năm 2024, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Đà Nẵng sẽ đến sớm hơn so với mọi năm. Thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong mùa cạn.
Mặc dù chưa bước vào mùa cạn nhưng độ mặn nước sông tại vị trí cửa lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) đã cao gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép lấy nước. Công ty Cấp nước Đà Nẵng phải đóng hoàn toàn cửa thu. Thay vào đó, bơm nước ngọt từ Đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ, để sản xuất nước sinh hoạt, phục vụ cho thành phố. Mực nước sông tại trạm bơm An Trạch cũng xuống thấp. Nếu nguồn nước ở đây thiếu hụt cũng đồng nghĩa với việc hàng vạn người dân thành phố thiếu nước sinh hoạt.
Theo bản tin dự báo khí hậu thời hạn mùa (từ tháng 3 đến 8/2024) của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 3 đến tháng 5/2024, tại khu vực Trung Bộ, nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.
* Không để người dân thiếu nước
Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nêu rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các địa phương khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.
Các địa phương chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.
Các địa phương bố trí ngân sách để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt.
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất tại địa phương, cùng với triển khai các giải pháp ứng phó hữu hiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ký Quyết định số 556/QĐ-UBND về việc công bố tình huống, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.
Theo đó, các cấp, các ngành cần áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra tại huyện Tân Phú Đông. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ tổ chức vận chuyển nước ngọt (nước ngọt thô có độ mặn nhỏ hơn 100 mgCl-/lít) về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông để người dân, các tổ chức biết và chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp trong sản xuất, sinh hoạt; đặc biệt là hỗ trợ nhân dân tháo gỡ khó khăn về nước sinh hoạt.
Trong trường hợp mùa khô kéo dài, địa phương kịp thời thông tin, tuyên truyền và thông báo người dân biết, có giải pháp trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và an toàn. Trước mắt, để tháo gỡ, huyện cho mở 15 vòi nước công cộng cấp nước miễn phí phục vụ sinh hoạt cho người dân sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa, vùng cửa sông, ven biển chưa có nguồn cấp nước từ hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung.
Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, vụ Đông Xuân năm nay địa phương này gieo sạ 41.500 ha lúa, hiện nay nhiều diện tích đã trổ bông. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa ở vùng hạ du sông Thu Bồn đang xảy ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Đơn vị đã phối hợp các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn tổ chức vận hành nước để cơ bản đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh cũng đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 1.100 ha đất lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây trồng cạn, hoa màu. Đồng thời hỗ trợ, khuyến kích người dân sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Trước dự báo nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng, để chủ động ứng phó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024. UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty CP Thủy điện A Vương, Công ty Thủy điện Sông Tranh, Công ty CP Phú Thạnh Mỹ, Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện I, Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sông Bung tổ chức vận hành xả nước qua phát điện để hạ du chống hạn và đẩy mặn…
Để chủ động ứng phó với tình hình khô hạn, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức theo dõi sát ảnh hưởng của Elnino, diễn biến thời tiết, nguồn nước và thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để bảo đảm cấp nước đủ cho thành phố đến cuối mùa cạn và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông.
Đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND thành phố điều hành việc vận hành các hồ chứa theo thẩm quyền được giao tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn khi độ mặn nước sông Vu Gia tại cửa lấy nước Nhà máy nước Cầu Đỏ lớn hơn 1.000 mg/l trong 24 giờ liên tục…
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Xâm nhập mặn có nguy cơ gây thiếu nước ngọt đến gần 40.000 ha lúa và khoảng 43.300 ha vùng chuyên canh cây ăn trái, tập trung chủ yếu ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau. Để giảm thiểu tác động của hạn mặn, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp và sử dụng nước ngọt tiết kiệm, phù hợp…/.
- Từ khóa:
- Triển khai
- biện pháp ứng phó
- khô hạn
- xâm nhập mặn