Tham gia Đoàn công tác số 10 ra thăm Trường Sa vào tháng 4/2025, những nghệ sỹ thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, Đoàn Học viện Múa Việt Nam đã khơi dậy nhiều cảm xúc. Ngay trong hải trình đầy ý nghĩa này, các nghệ sỹ đã sáng tác được những tác phẩm đặc biệt về Trường Sa.
Tìm về với biển đảo của Tổ quốc, đặc biệt là Trường Sa luôn là khát khao, mong muốn của những người con đất Việt bởi nơi đây đang có những người chiến sỹ và nhân dân đang ngày đêm bám biển, giữ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Với những người lần đầu được đến với Trường Sa, ai cũng tận dụng từng giây phút trên đảo để được đắm mình vào đất trời nơi đảo tiền tiêu bởi họ đều hiểu, được có mặt nơi đây là cơ duyên của cả đời người.
*Trọn vẹn cảm xúc khi lần đầu đến với Trường Sa
Tham gia Đoàn công tác số 10 ra thăm Trường Sa vào tháng 4/2025, những nghệ sỹ thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, Đoàn Học viện Múa Việt Nam đã khơi dậy nhiều cảm xúc. Ngay trong hải trình đầy ý nghĩa này, các nghệ sỹ đã sáng tác được những tác phẩm đặc biệt về Trường Sa.
Nhà thơ Vũ Trọng Thái, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng cho biết, sau nhiều năm lỡ hẹn với Trường Sa, mãi đến tháng 9/2024, khi được Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân lựa chọn vào danh sách được ra thăm Trường Sa, đoàn nghệ sỹ thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng ai cũng háo hức chờ đợi ngày khởi hành, bởi đây đều là chuyến ra Trường Sa đầu tiên của cả 5 thành viên trong đoàn.
Nhà thơ Vũ Trọng Thái chia sẻ: "Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa và thành công. Anh em văn nghệ sỹ đã được mắt thấy, tai nghe, cảm nhận được nhiều điều về Trường Sa và những con người nơi đây. Nếu không có những chuyến đi như thế này thì khó mà viết được những tác phẩm một cách chân thực nhất về biển đảo. Riêng tôi đã viết được nhiều bài thơ nặng cảm xúc, được cán bộ chiến sỹ và các thành viên trong đoàn công tác chia sẻ ngay trong hai đêm giao lưu trên tàu. Đó là chùm thơ 12 bài về Trường Sa: “Nơi ấy Trường Sa”, “Khoảnh khắc”, “Những bông hồng giữ lửa”, “Kỷ niệm giữa biển Trường Sa”, “Nỗi nhớ một con tàu”, “Những đảo đá ở Trường Sa”, “Điều ngạc nhiên trên đảo nhỏ”, “Chuyện ở Trường Sa”…
Với nhạc sỹ Ngọc Thành, một trong 5 thành viên của đoàn nghệ sỹ Hải Phòng, hình ảnh những chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam nghiêm trang bồng súng đứng canh giữ bên cột mốc chủ quyền bất kể mưa nắng đã thể hiện rõ tinh thần sẵn sàng chiến đấu vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Từ đó, nhân dân càng thêm tin yêu các cán bộ, chiến sỹ và quân dân trên các đảo. "Tôi khâm phục và tự hào về các anh, những người đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm xúc trào dâng, tôi cũng kịp gửi tâm tình của mình vào từng giai điệu, từng nốt nhạc để có ngay những ca khúc viết về các chiến sỹ: “Hải trình xanh”, “Anh nuôi Lữ đoàn 955…”, nhạc sỹ Ngọc Thành cho biết.
Nhà thơ Đinh Thường, nguyên Chính trị viên Trạm Kiểm tra giám sát trên sông, vịnh, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hải Phòng, Trưởng đoàn công tác Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng cho biết, đây là lần đầu tiên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng cử 5 hội viên (gồm 2 nhà thơ, 1 nhạc sỹ, 1 nghệ sỹ nhiếp ảnh và 1 nhà nghiên cứu văn học dân gian) đi thực tế sáng tác tại Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đối với các văn nghệ sỹ, việc được đặt chân đến Trường Sa và Nhà giàn DK1 không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu đối với biển đảo của Tổ quốc, vì vậy các văn nghệ sỹ đều hồ hởi tham gia chuyến công tác.
Nhà thơ Đinh Thường cho biết, sau chuyến đi này, các văn nghệ sỹ đã có thêm nhiều cảm hứng sâu sắc và mới mẻ, cùng với nhiều tư liệu quý phục vụ cho công tác sáng tác trước mắt và lâu dài. Hiện các văn nghệ sỹ đã có những sáng tác bước đầu. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Viết Rừng ngay từ lúc bước xuống tàu đã lăn lộn mọi lúc mọi nơi để chớp được những hình ảnh đẹp trong suốt hành trình. Dự kiến anh sẽ ra mắt bộ ảnh nghệ thuật về Trường Sa trong tháng 5/2025. Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Đình Chỉnh ấp ủ bài viết về “Đền thờ Bác Hồ trên đảo Trường Sa”.
“Riêng tôi đã sáng tác một số bài thơ ngay sau khi kết thúc hành trình: “Trước một hành trình”, “Mong đợi Trường Sa”, “Đá Thị đón văn công”, “Phúc lành nước non”, “Trước bãi cọc Trường Sa”, “Với trái bàng vuông” và chùm thơ 9 bài “Khúc vọng nhà giàn”, nhà thơ Đinh Thường chia sẻ.
*Khi sức trẻ hòa cùng nhịp sóng
Trong hải trình của Đoàn công tác số 10 trên tàu Hải quân 571 còn có các đoàn viên, thanh niên ưu tú của Đoàn Học viện Múa Việt Nam gồm 9 thành viên. Họ đã mang sức trẻ, tiếng hát, điệu múa cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Trường Sa (29/4/1075-29/4/2025), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Suốt chuyến đi, tâm trạng háo hức, niềm tự hào được ra thăm Trường Sa của các thanh niên trẻ lần đầu ra thăm đảo như “lây” sang cho các thành viên trong đoàn công tác. Chuyến ra thăm Trường Sa và biểu diễn phục vụ các chiến sỹ, quân dân trên đảo lần này giúp các bạn trẻ thêm hiểu, tin yêu những chiến sỹ và người dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ cao cả nơi biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
May mắn được chọn để tham gia biểu diễn tại Trường Sa, không giấu được sự phấn khởi trên gương mặt, em Bùi Thiên An, sinh năm 2009, học sinh năm thứ 4/6 hệ trung cấp diễn viên kịch múa, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Học viện, Á khôi 1 Học viện Múa Việt Nam 2024 chia sẻ: “Khi đến Trường Sa, tất cả chúng em đều chung một nhịp đập, một tình yêu hướng về biển đảo. Mong rằng lời ca, điệu múa sẽ chúng em sẽ giúp các chiến sỹ vơi bớt nhớ nhà, có tinh thần lạc quan, vững chắc tay súng bảo vệ vùng đất tiền tiêu này".
Tự nhủ sau chuyến đi này, mình phải làm điều gì đó lớn lao hơn, em Lê Văn Tuấn Anh, sinh viên năm thứ Nhất, lớp K3 Biên đạo sự kiện, Học viện Múa Việt Nam 2024 xúc động nói: “Được góp một phần sức mình phục vụ cho đoàn công tác và các chiến sỹ trên đảo, em cảm thấy rất tự hào vì không chỉ đại diện cho Học viện Múa Việt Nam, mà còn mang tới tình cảm của những người con đất liền gửi tới biển đảo quê hương”.
Trưởng đoàn Học viện Múa Việt Nam Nguyễn Xuân Trường cho biết: “Đoàn chúng tôi có 7 chương trình biểu diễn, giao lưu văn nghệ trên 6 đảo và nhà giàn DK1 với các tiết mục đa dạng như múa dân gian dân tộc, hát múa ca ngợi biển đảo quê hương đất nước, biển đảo và các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Tại các điểm đến, những chiến sỹ trẻ đã cùng chúng tôi nắm tay nhau hòa giọng cùng tiếng sóng biển, đó là lúc chúng thấy xúc động nhất”.
Anh Nguyễn Xuân Trường mong muốn, sau hải trình ý nghĩa này, các bạn trẻ sẽ hun đúc tình yêu biển đảo, quê hương đất nước, phát huy vai trò là những tuyên truyền viên tích cực về biển đảo, chung tay giữ gìn và bảo vệ biển đảo tươi đẹp và thiêng liêng của Tổ quốc./.