Thời tiết

Từ đêm 10/9 đến sáng 11/9, lũ trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống chậm

Từ đêm 10/9 đến sáng 11/9, lũ trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử năm 1968; tại Phú Thọ lên mức báo động 2. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,70 m, trên báo động 3 là 1,70 m vào đêm 10/9 sau đó xuống chậm

Nước lũ trên sông Hồng đoạn qua Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử năm 1968.
Ảnh: Tuấn Anh- TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 10/9 đến sáng 11/9, lũ trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử năm 1968; tại Phú Thọ lên mức báo động 2. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,70 m, trên báo động 3 là 1,70 m vào đêm 10/9 sau đó xuống chậm; tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 21 m, trên mức báo động 3 là 0,50 m vào sáng 11/9, sau đó xuống; lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3.

Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3. Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 2. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh lên mức báo động 2.

Cảnh báo, trong đêm 10/9 đến chiều 11/9, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ. Độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 3.

Nguy cơ ngập lụt ở các vùng trũng, thấp tại các quận, huyện của Yên Bái (Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trạm Tấu; Bắc Giang (thành phố Bắc Giang, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang, Lục Nam); Thái Nguyên (thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên); Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh, Yên Phong); Phú Thọ (Tân Sơn, Thanh Sơn, Tam Nông, Yên Lập, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Lâm Thao); Tuyên Quang (Hàm Yên, Chiêm Hóa, thành phố Tuyên Quang); Hà Nội (Bãi giữa, ven sông Hồng thuộc các quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Gia Lâm; Ninh Bình (Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình).

Ông Vũ Đức Long, Vụ Trưởng Vụ Quản lý Dự báo Tổng cục Khí tượng thủy văn khuyến cáo về mực nước ở Hà Nội tăng lên xấp xỉ báo động 2.

Theo ông Vũ Đức Long, Vụ Trưởng Vụ Quản lý Dự báo Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong khoảng từ đêm 10/9 đến ngày 11/9, mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ có thể lên mức báo động 2, vì thế, những khu vực ven sông như Phúc Xá, Phúc Tân, Bồ Đề, sẽ có thể bị ngập sâu.

Ngoài ra, khi mực nước ở Hà Nội tăng lên xấp xỉ báo động 2, các trạm vùng hạ lưu của sông Hồng như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam nhiều khả năng sẽ lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ ngập lụt của các tỉnh trên trong những ngày tới là rất cao. 

Trước nguy cơ ngập lụt diện rộng như vậy, ông Vũ Đức Long đề xuất giải pháp, người dân phải theo dõi đó là các thông tin về tình hình lũ được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng như các Đài khí tượng thủy văn khu vực, tỉnh và địa phương cung cấp hằng giờ; đồng thời cần theo dõi dự báo về diễn biến của lũ cũng như các khu vực ngập lụt có thể xảy ra, từ đó có các biện pháp phòng tránh. Trong bất cứ trường hợp nào, người dân cần tuân thủ chặt chẽ sự chỉ đạo và yêu cầu của chính quyền địa phương để có thể di dời đến được nơi mà an toàn nhất có thể../.

Trần Diệu Thúy

Xem thêm