Chỉ đạo, Điều hành

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2024: Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, sông ngòi và biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, con người Việt Nam.

Bến cá Xuân Hải, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, Phú Yên.
Ảnh: Châu Đạo Cường - TTXVN

Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chủ đề trọng tâm của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2024 là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi cộng đồng cùng hành động thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.

* Kinh tế biển giữ vị trí quan trọng

Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 kinh tế biển chiếm từ 41 - 42% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP).
Ảnh: TTXVN phát

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam và cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, sông ngòi và biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, con người Việt Nam. Ngày nay, với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, kinh tế biển càng giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong nhiều năm qua, phát triển bền vững kinh tế biển luôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt, ngày 22/10/2018 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Tại Vịnh Hạ Long, du thuyền là hình thức du lịch truyền thống. 
Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, tỷ trọng GRDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp vào tổng GRDP toàn quốc giai đoạn 2018-2022 là khoảng 49-51%; tổ chức thực hiện điều tra thêm được khoảng 131.000 km2 vùng biển xa bờ ở tỷ lệ 1:500.000, nâng tổng diện tích điều tra cơ bản khoảng 375.700 km2 (khoảng 38% diện tích các vùng biển Việt Nam) và đã điều tra, đánh giá chi tiết trữ lượng, chất lượng nước cho 14 đảo.

Đối với việc phát triển kinh tế biển và ven biển đã có sự phát triển nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đang được hình thành nhanh chóng tạo diện mạo mới cho các địa phương ven biển. Các trung tâm du lịch biển hiện đại có tầm vóc quốc tế được hình thành; sản phẩm du lịch biển đa dạng, như: du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái biển… Hàng năm, du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước.

Kinh tế hàng hải cũng đạt được nhiều thành tựu, năng lực vận tải ngày càng được nâng cao, đáp ứng từng bước nhu cầu vận chuyển. Năm 2023, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển là 756,825 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2022, tổng số hành khách qua cảng biển đạt 7,04 triệu người, tăng 17% so với năm 2022.

Dạo bộ dưới biển ngắm san hô tại Hòn Tằm (Nha Trang) với thiết bị mũ lặn. 
Ảnh: Tiên Minh/TTXVN

Ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, với quy mô ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, tạo ra giá trị sản xuất lớn, có nhiều sản phẩm đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác đạt 3,86 triệu tấn, nuôi trồng đạt 5,46 triệu tấn…

Về quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, đến nay cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích khoảng 206.000 ha, trong đó có 185.000 ha biển. Hệ thống các khu bảo tồn biển tiếp tục được nghiên cứu mở rộng để đạt mục tiêu diện tích các khu bảo tồn biển chiếm 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập, thu hút 553 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 54,36 tỷ USD; 1.604 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1,37 triệu tỷ đồng.

* Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo 

Khai thác hải sản tại Tiền Giang
Ảnh: TTXVN phát

Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. Thêm vào đó, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo cũng đứng trước nhiều thách thức: môi trường biển bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học suy giảm; khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn thiếu bền vững; nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao…

Trước những thách thức trên, ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhộn nhịp cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). 
Ảnh Công Tường - TTXVN

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Cùng với đó, ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu… Đến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.

Đồng thời, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, bao gồm các khu bảo tồn biển và ven biển; khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú, đường di cư của các loài thủy sản, các khu dự trữ sinh quyển, khu RAMSAR…; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.

Trồng rừng ngập mặn phục hồi hệ sinh thái tại khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải). 
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường… Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.

Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức từ ngày 1-8/6 hàng năm là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực và quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đồng thời với bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền quốc gia trên biển.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2024 có chủ đề “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”. Trong dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương; tài nguyên, môi trường biển, đảo; từng bước xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Các tình nguyện viên nhặt rác tại khu vực bờ kè biển Vĩnh Trường, sát bến tàu du lịch Nha Trang.
Ảnh: TTXVN phát

Từ nay đến hết tháng 6 năm 2024, đồng loạt tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2024 trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung vào những hoạt động cụ thể:

Tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm về quản lý, sử dụng bền vững không gian biển; công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, công bằng, bền vững tài nguyên biển, hải đảo; ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển; khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường; hạn chế thấp nhất có thể tác động của thiên tai; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều tra, nghiên cứu khoa học về biển, hải đảo phục vụ quản lý, sử dụng bền vững không gian biển, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát động các phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng như Chiến dịch ra quân làm sạch biển, thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường… Phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp có những đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc quản lý, sử dụng bền vững không gian biển, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo... ./.

          

Minh Hiếu

Xem thêm