Vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển chính trị, kinh tế và xã hội, nhất là trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước xem khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Ngày 14/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thường niên 1M4V năm 2024 về "Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo". Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận về những vấn đề cốt lõi trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; làm rõ những bất cập, rào cản trong các quy định hiện hành; trao đổi về các cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; trong đó quan tâm đến tính rủi ro, độ trễ và nhiều vấn đề khác liên quan đến thể chế nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở lấy ý kiến thống nhất của các bên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xây dựng Báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
*Khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu
Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển chính trị, kinh tế và xã hội, nhất là trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước xem khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Văn kiện Đại hội XIII khẳng định, cần phát triển toàn diện các lĩnh vực khoa học, bao gồm khoa học tự nhiên, kỹ thuật, xã hội và nhân văn. Hiến pháp 2013, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ và nhiều văn bản pháp luật khác đã xây dựng nền tảng pháp lý cho sự phát triển này. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình triển khai vẫn gặp khó khăn, bao gồm sự chậm trễ trong cụ thể hóa chính sách, hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, đầu tư chưa tương xứng. Do đó, cần khắc phục các rào cản hành chính và cải thiện chính sách đãi ngộ để giữ chân nhân tài, từ đó phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển bền vững đất nước.
Nêu những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành về khoa học và công nghệ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra sự thiếu thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, dẫn đến quản lý phức tạp và chồng chéo nhiệm vụ giữa các đơn vị. Ngoài ra, Luật Khoa học và Công nghệ chưa thể hiện đầy đủ vai trò của khoa học xã hội, khiến lĩnh vực này thiếu sự ưu tiên và gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài trợ.
Các quy định tài chính chưa linh hoạt, không cập nhật với chi phí thực tế, gây trở ngại cho hoạt động nghiên cứu. Hơn nữa, thiếu các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng và giữ chân nhân lực chất lượng cao, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Bên cạnh đó, các quy định về sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, làm suy giảm động lực đầu tư vào nghiên cứu. Để khắc phục, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Minh đề xuất xây dựng khung pháp lý phù hợp và toàn diện, thúc đẩy khoa học và công nghệ, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Theo đó, Giáo sư Chu Hoàng Hà khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường đầu tư nhà nước vào các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy hợp tác quốc tế để nắm bắt công nghệ lõi và phát triển công nghệ mới. Ngoài ra, cần xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, bao gồm các quy định về chuyển giao công nghệ, phân chia quyền lợi và giao quyền sở hữu gắn liền với trách nhiệm thương mại hóa.
Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà cũng đề xuất chính sách khuyến khích mua sắm công các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các viện, các trường. Đồng thời, xây dựng cơ chế thúc đẩy kết nối giữa viện, trường với doanh nghiệp, xúc tiến công nghệ nhằm phát hiện vấn đề, tìm kiếm giải pháp và nghiên cứu công nghệ phù hợp.
*Hoàn thiện thể chế cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đề xuất các giải pháp đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển theo Nghị quyết số 45-NQ/TW về việc tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nghiêm Xuân Huy, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc nâng cao số lượng và chất lượng các chương trình tiêu chuẩn chất lượng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng hội nhập và hợp tác quốc tế, đồng thời cải tiến các quy định về tài chính sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến đối với các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Thăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, Hoa Kỳ và Nhật Bản có hệ thống quản lý rủi ro chặt chẽ trong nghiên cứu, thiết lập các cơ chế báo cáo và xử lý rủi ro linh hoạt; đồng thời khuyến khích sự trung thực trong báo cáo từ các nhà nghiên cứu.
Các quốc gia này cũng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng nghiên cứu, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Hoa Kỳ nổi bật với mô hình khởi nghiệp tại Silicon Valley, nơi có hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển mạnh mẽ, trong khi Nhật Bản thúc đẩy công nghiệp hóa với sự hỗ trợ của Bộ Kinh tế thương mại và Công nghiệp cùng mạng lưới kết nối chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và viện nghiên cứu. Các nước châu Âu cũng khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn qua các chính sách ưu đãi thuế nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần nâng cao năng suất và chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nghiêm túc việc xây dựng bốn dự án luật quan trọng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với mục tiêu tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khuyến khích phát triển các lĩnh vực chiến lược như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Thông qua các ý kiến tham luận, trao đổi tại hội nghị, để hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách trong triển khai, thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ; tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp mang tính đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia cũng như hoàn thiện các cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.../.
- Từ khóa:
- Khoa học
- công nghệ
- đổi mới sáng tạo