Pháp luật

Tuyên truyền, thảo luận về các điểm mới trong Luật Đấu thầu 2023

Đà Nẵng

Hội thảo nhằm đánh giá những quy định mà các nhà lập pháp kỳ vọng, cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp xây dựng trong quá trình áp dụng Luật Đấu thầu 2023.

Quang cảnh hội thảo.
 Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Ngày 31/5, tại thành phố Đà Nẵng, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Cục Quản lý đấu thầu  (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đồng tổ chức Hội thảo “Luật Đấu thầu 2023 - Kỳ vọng và Thách thức đối với lĩnh vực xây dựng”.

Hội thảo có sự tham dự, thảo luận của khoảng 50 chuyên gia pháp luật đấu thầu, chuyên gia pháp luật xây dựng, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng… nhằm đánh giá những quy định mà các nhà lập pháp kỳ vọng, cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp xây dựng trong quá trình áp dụng Luật Đấu thầu 2023.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Trần Công Phàn, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) có rất nhiều điểm mới và được kỳ vọng sẽ mở được nhiều nút thắt cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật vẫn có những khoảng cách mà các chuyên gia pháp luật, chuyên gia kinh tế gọi là những sự “cắt khúc”. Luật Đấu thầu năm 2023 có thể có những sự “cắt khúc” chỉ được nhận ra từ hoạt động thi hành luật. Mặc dù mới có hiệu lực được hơn 5 tháng, nhưng Luật Đấu thầu 2023 đã được áp dụng khá nhiều trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình xây dựng.

Tiến sỹ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho rằng, Luật Đấu thầu 2023 đang nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, người dân và đông đảo nhà nghiên cứu. Về quy định của pháp luật đã khá hoàn thiện, tuy nhiên về nhận thức để áp dụng trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề. Chính vì vậy, hội thảo góp phần đưa Luật Đấu thầu 2023 tiếp cận thực tiễn, tuyên truyền, phản ánh đến các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, để hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới.

Tiến sỹ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Theo Thạc sỹ Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Luật Đấu thầu 2023 tiếp tục tạo dựng khuôn khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu. Đồng thời, sự ra đời của Luật Đấu thầu 2023 tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu. Việc xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận từ các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng... ; qua đó, làm rõ được những điểm mới của Luật. Các tham luận cũng góp phần chỉ ra những giá trị của các quy định mới và những rào cản có thể gây trở ngại trong thực tiễn. Đồng thời, tham luận nêu những giải pháp để vượt qua rào cản, dựa trên những bài học trong thi hành Luật Đấu thầu 2013 và trong bối cảnh mới của nền kinh tế đối với các dự án đầu tư xây dựng.

Đấu thầu là một định chế kinh tế - pháp lý phổ biến trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, hoạt động đấu thầu được luật hóa lần đầu tiên trong chương VI Luật Xây dựng 2003. Tiếp đó, Luật Đấu thầu 2013 được ban hành để điều chỉnh hoạt động đấu thầu đáp ứng các đòi hỏi của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế. Qua 10 năm thực hiện, Luật Đấu thầu 2013 bộc lộ khá nhiều bất cập so với sự phát triển của đất nước. Luật Đấu thầu mới nhất được Quốc hội thông qua vào năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024./.

Trịnh Quốc Dũng

Tin liên quan

Xem thêm