Năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cần đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống dữ liệu khí tượng thủy văn tập trung (CDH), ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn.
(TTXVN) Sáng 21/12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành biểu dương những nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022.
Năm 2022, thiên tai khí tượng thủy văn có diễn biến phức tạp, gây khó khăn không nhỏ trong công tác dự báo, nhưng với sự nỗ lực của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị dự báo từ Trung ương đến địa phương nên toàn hệ thống đã theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến khí tượng thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm sát với thực tế, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo đảm an toàn cuộc sống và tài sản của người dân. Những nỗ lực này đã và đang được các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng ghi nhận.
Thứ trưởng Lê Công Thành nêu rõ, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Yêu cầu về phòng, chống thiên tai, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn thành quả xây dựng và phát triển của đất nước và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ngày càng cao. Năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cần hợp tác với các đơn vị trong Tổng cục Khí tượng thủy văn và các cơ quan liên quan đặc biệt là Trung tâm thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn để đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống dữ liệu khí tượng thủy văn tập trung (CDH), ứng dụng khoa học, các công nghệ mới, hiện đại trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn.
"Đổi mới, nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là công tác dự báo hải văn. Thông tin dự báo, cảnh báo hải văn phải trở nên như "một trinh sát" cung cấp thông tin về dự báo biển phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế biển", Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Trung tâm tiếp tục triển khai thu thập, tổng hợp các thông tin về các yếu tố kinh tế – xã hội để phục vụ dự báo tác động của thời tiết, thiên tai. Triển khai xây dựng các công cụ tính toán quy mô và mức độ tác động trên cơ sở tích hợp hiện trạng số liệu đối tượng chịu tác động, cường độ thiên tai và xác suất xảy ra thiên tai. Trung tâm cần có một đội ngũ chuyên thực hiện dự báo tác động các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, Trung tâm cần nâng cao chất lượng bản tin cảnh báo, dự báo định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; dự báo biển... khai thác tối đa các nguồn thông tin từ vệ tinh, radar, đo mưa tự động và các thông tin dự báo, đặc biệt là của mô hình khu vực độ phân giải cao để đưa ra các cảnh báo sớm, kịp thời và có độ tin cậy cao đối với các loại hình thiên tai.
Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý, Trung tâm cần chú trọng tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ theo hướng đào tạo chuyên môn và đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ.
Đề cập đến các hoạt động của Trung tâm năm 2022, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, Trung tâm đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước: Theo dõi và dự báo 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có các cơn bão số 1, 3, 4, 5 ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; 17 đợt không khí lạnh; 14 đợt nắng nóng; 26 đợt mưa lớn trên diện rộng; 16 đợt lũ trên phạm vi cả nước... Trung tâm theo dõi, dự báo mực nước và dòng chảy các sông trên toàn quốc, đáp ứng yêu cầu phát điện và chỉ đạo điều hành liên hồ chứa phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2021-2022; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, triều cường, gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng trên các khu vực biển ngoài khơi và ven bờ; thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ khai thác, vận hành và phòng, chống thiên tai cho các lưu vực sông đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Trung tâm phối hợp chặt chẽ và chủ động trao đổi về nghiệp vụ với các Đài Khí tượng thủy văn khu vực có biển để đảm bảo tốt công tác thông tin, liên lạc và nắm bắt diễn biến thời tiết thực tế, nâng cao chất lượng dự báo phục vụ; các sản phẩm dự báo hải văn được cập nhật hàng ngày trên mạng nghiệp vụ và chia sẻ với các Đài Khí tượng thủy văn khu vực có biển để các Đài tham khảo trong dự báo nghiệp vụ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 41/2016/TT-BTNMT ngày 21/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, đã hoàn thiện dự thảo và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Các bản tin dự báo khí tượng thủy văn hạn ngắn, hạn vừa, hạn dài được thực hiện đầy đủ và cơ bản đều đạt chỉ tiêu đặt ra. Trung tâm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Quy trình, Quy phạm, Quy định chuyên môn dự báo khí tượng thủy văn do Tổng cục Khí tượng thủy văn ban hành.
Tuy nhiên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ dự báo nghiệp vụ và phục vụ năm 2022, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, đáng chú ý là dữ liệu tự động (mưa, nhiệt độ) vẫn chưa được kiểm soát đầy đủ về chất lượng trong thời gian thực nên gây khó khăn cho dự báo viên khi thực hiện dự báo nghiệp vụ. Số liệu quan trắc trên biển còn thưa và thiếu nên khó khăn trong công tác dự báo và đánh giá chất lượng dự báo khí tượng thủy văn biển.
Hệ thống các công cụ phục vụ dự báo, cảnh báo thủy văn chưa đồng bộ, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác dự báo thủy văn...
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.../.