Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu tại ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Dự án hỗ trợ trồng mới 60ha rừng phòng hộ và tăng năng suất thu nhập của người dân lên ít nhất 1,2 lần thông qua thí điểm các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.
(TTXVN) Chiều 20/12, tại tỉnh Cà Mau, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau tổ chức Khởi động dự án tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng tại khu vực ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Văn Ngọc Thịnh, Trưởng đại diện Tổ chức WWF tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự án nhằm nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu thông qua việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn, đồng thời áp dụng các thực hành thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Trong 3 năm tới đây, Dự án đặt mục tiêu trồng mới và áp dụng các hướng dẫn quản lý bền vững rừng ngập mặn kết hợp với sinh kế cho mô hình tôm-rừng và tôm-lúa trên hơn 3.000ha với khoảng 8.000 người nông dân, 4.000 trẻ em được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp tại huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) và huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau). Bên cạnh đó, Dự án hỗ trợ trồng mới 60ha rừng phòng hộ và tăng năng suất thu nhập của người dân lên ít nhất 1,2 lần thông qua thí điểm các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án cũng đặt mục tiêu cụ thể trong lồng ghép, nhân rộng các kết quả thành công này vào các chính sách của tỉnh và quốc gia như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia.
“Đặc biệt, để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Dự án sẽ hỗ trợ cho 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu triển khai các nội dung kỹ thuật, thực hiện chính sách liên quan đến tính toán phát thải, khả năng hấp thụ carbon từ hoạt đồng trồng, bảo vệ rừng và sinh kế bền vững”, ông Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thuộc nhóm 5 nước đang phát triển chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng. Qua tính toán, khi mực nước biển dâng 1m thì thiệt hại kinh tế sẽ lên tới 10% GDP. Đặc biệt, khoảng 12.300 km2 hoặc 31% tổng diện tích đất của Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 9.800 km2 đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản có thể bị ảnh hưởng và tác động đến 4,8 triệu người.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ từ lãnh đạo huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), tình hình nuôi trồng thủy sản của huyện có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua, đặc biệt là có sự thay đổi nhanh về cơ cấu sản xuất, nhất là phát triển nuôi tôm sinh thái, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, với đặc thù tự nhiên với 3 mặt giáp biển nên địa phương đã gặp nhiều khó khăn, thách thức trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Ngoài ra, địa phương cũng đang phải tìm giải pháp tháo gỡ nhiều vấn đề, nhất là tình trạng dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên vốn trước đây rất phong phú dưới tán rừng ngập mặn…
Phát biểu tại Lễ khởi động dự án, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, những năm gần đây, Cà Mau nói riêng và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã chịu nhiều tác động rất nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó biểu hiện rõ nhất là vào mùa khô liên tục xảy ra hạn hán, sụt lún, sạt lở đất, thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn… Trong khi vào mùa mưa thì lại xảy ra tình trạng ngập úng đô thị, triều cường, nước biển dâng gây xói lở bờ biển, bờ sông… Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
“Từ năm 2010 đến nay, WWF đã và đang triển khai 4 dự án tại Cà Mau với tổng vốn viện trợ hơn 25 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Tổ chức WWF tại Việt Nam có 2 dự án đang thực hiện. Những dự án này đã góp phần giúp địa phương nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của rừng ngập mặn; phòng chống ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực của cán bộ trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu vực rừng ngập mặn; thay đổi hành vi và nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; cải thiện sinh kế của người dân trong vùng dự án”, ông Nguyễn Minh Luân đánh giá./.
Huỳnh Anh