Hội đồng cần tiếp tục chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp trong giải quyết những vấn đề liên quan đến đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; phối hợp, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề liên quan đến đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.
Năm 2025, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước và trên thế giới vào công tác kiểm tra tài liệu thăm dò, đánh giá chất lượng, trữ lượng khoáng sản. Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025 và kỷ niệm 55 năm thành lập Hội đồng Đánh giá Trữ lượng Khoáng sản Quốc gia, diễn ra chiều 13/1, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên yêu cầu, với bề dày 55 năm thành lập hoạt động và phát triển, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia và Văn phòng Hội đồng trong thời gian tới cần có những đổi mới về tổ chức, nhiệm vụ và phương thức hoạt động để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá phục vụ cho sự phát triển kinh tế, hội nhập của đất nước.
Theo đó, Hội đồng cần tiếp tục chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp trong giải quyết những vấn đề liên quan đến đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; phối hợp, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề liên quan đến đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.
Văn phòng Hội đồng cần tổ chức quản lý tốt dữ liệu, tài liệu về trữ lượng khoáng sản đã được Hội đồng phê duyệt theo quy định, trong đó chú trọng từng bước thực hiện chuyển đổi số các dữ liệu và có thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước và trên thế giới vào công tác kiểm tra tài liệu thăm dò, đánh giá chất lượng, trữ lượng khoáng sản.
Tại Hội nghị, ông Lê Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, từ năm 1970 đến nay, Hội đồng đã thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc 1.312 báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản. Trong đó, có một số mỏ khoáng sản đã và đang khai thác có hiệu quả thuộc tầm cỡ thế giới và khu vực như: Mỏ wonfram - đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên), mỏ đồng Sin Quyền, Vi Kẽm, Tà Phời, mỏ apatit Lào Cai (Lào Cai); mỏ bô-xit Tân Rai (Lâm Đồng), mỏ bô-xit Nhân Cơ (Đăk Nông), các mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh… Đây là các số liệu thực tế, chính xác, khách quan, giúp cho Chính phủ, Bộ ngành và các địa phương có định hướng phù hợp trong quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản được bảo quản, lưu trữ tại Văn phòng Hội đồng theo đúng quy định.
Riêng trong năm 2024, Hội đồng đã tổ chức 9 phiên họp Hội đồng thẩm định, thông qua và phê duyệt, công nhận trữ lượng khoáng sản của 26 báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản; ban hành 6 Văn bản xác nhận trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác theo đề nghị của Cục Khoáng sản Việt Nam. Hội đồng cũng tổ chức 3 đoàn công tác về các địa phương (Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh: Lạng Sơn, Hòa Bình, Cao Bằng) để khảo sát, hướng dẫn công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, Hội đồng cũng tổ chức 20 đoàn công tác thực địa để kiểm tra, hướng dẫn công tác thu thập tài liệu nguyên thủy, lập báo cáo tổng kết công tác thăm dò khoáng sản theo đề nghị của các tổ chức thăm dò khoáng sản.
Theo ông Lê Văn Lượng, trong năm 2025, Hội đồng sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng và ban hành Thông tư quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn và các thông tư quy định về kỹ thuật thăm dò khoáng sản nhằm đảm bảo hệ thống phân cấp trữ lượng khoáng sản rắn của quốc gia và kỹ thuật thăm dò khoáng sản được đầy đủ và khoa học. Đồng thời, Hội đồng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thẩm định của Văn phòng Hội đồng trước khi trình Hội đồng thẩm định, công nhận trữ lượng tài nguyên, trong đó đặc biệt cần áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong kiểm tra, thẩm định tài liệu báo cáo kết quả thăm dò.../.
- Từ khóa:
- công nghệ thông tin
- trữ lượng khoáng sản