Việc kiểm soát lắng đọng axit đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nghiên cứu mang tính liên ngành và sự hợp tác giữa các quốc gia có chung đường biên giới.
TTXVN - Ngày 29/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị liên Chính phủ lần thứ 25 của Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á.
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, ô nhiễm không khí và lắng đọng axit đang trở thành vấn đề cấp thiết không chỉ đối với Việt Nam mà hầu hết các nước trong khu vực châu Á và trên toàn thế giới. Ô nhiễm không khí nói chung, lắng đọng axit nói riêng đã và đang có những tác động bất lợi đối với cuộc sống con người và hệ sinh thái. Lắng đọng axit làm suy thoái môi trường sống tự nhiên, môi trường đất, nước và các hệ sinh thái, gây hậu quả nặng nề đối với ngành nông nghiệp, thủy sản, các công trình xây dựng và đáng chú ý nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Việc kiểm soát lắng đọng axit đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nghiên cứu mang tính liên ngành và sự hợp tác giữa các quốc gia có chung đường biên giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách quan trọng về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm không khí. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021- 2025 làm cơ sở để các tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn và môi trường, trong đó có quan trắc lắng đọng axit trên phạm vi cả nước; đồng thời, hỗ trợ tăng cường giám sát khí hậu và chất lượng không khí, chủ động kiểm soát nguồn phát thải chính, đưa ra giải pháp khắc phục sự cố kịp thời.
Tại Hội nghị, bà Marlene Nilsson, Phó Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết, Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET) có sự tham gia của các nước thành viên gồm: Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Philippines, Hàn Quốc, Liên bang Nga và Thái Lan.
Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á từ những năm đầu tiên và luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới. Trong 20 năm tham gia, Việt Nam đã xây dựng và vận hành Mạng lưới quan trắc lắng đọng axit chất lượng cao ở các vùng trên cả nước. Các kết quả thu được từ Mạng lưới giám sát này đã đóng góp đáng kể vào các Báo cáo đánh giá về hiện trạng, xu hướng lắng đọng axit nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung trong khu vực Đông Á. Tại Việt Nam, Mạng lưới đã thực hiện nghiên cứu đánh giá hiện trạng và xây dựng bản đồ lắng đọng axit trên phạm vi cả nước.
Do đó, Hội nghị là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học chia sẻ kết quả các hoạt động thường niên của Mạng lưới giám sát lắng đọng a xít trong năm 2023 và đưa ra được kế hoạch triển khai cho các năm tiếp. Đồng thời, Hội nghị là cơ hội để các đại biểu thảo luận về các nội dung liên quan đến mở rộng phạm vi hoạt động của Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí trong khu vực.
Bà Meihua Zhu, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao, đại diện Ban Thư ký Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á cho rằng, Dự án Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á năm 2023 đã thực hiện những dự án giám sát chính như: Nghiên cứu về tác động của lắng đọng khí quyển lên hệ sinh thái, từ quy mô lưu vực đến quy mô khu vực; làm rõ các nguồn ô nhiễm bụi PM2.5 chính tại các thành phố lớn trong Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á để đưa ra khuyến nghị về khả năng giảm thiểu vật chất hạt sơ cấp và thứ cấp; hợp tác về kỹ thuật, đào tạo và chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ các nước tham gia về giám sát; hội thảo trực tuyến về nâng cao năng lực về phát thải kiểm kê nguồn đốt; tổ chức hội thảo về sức khỏe con người và hệ sinh thái…
Bà Meihua Zhu nhấn mạnh, công tác quan trắc lắng đọng axit nói riêng và quan trắc chất lượng môi trường không khí nói chung đang ngày càng trở nên quan trọng trong thực hiện quản lý chất lượng không khí. Việc sử dụng thiết bị cảm biến chi phí thấp trong quan trắc chất lượng môi trường không khí có rất nhiều ưu điểm như: Chi phí thấp, lắp đặt và vận hành đơn giản, cung cấp số liệu nhanh... Do đó, những năm tới, Việt Nam cần tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, hội thảo liên quan đến thiết bị cảm biến chi phí thấp; thúc đẩy dự án nghiên cứu phương pháp luận để phát triển Mạng lưới quan trắc chất lượng không khí kết hợp để học hỏi, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực này và tiến tới việc áp dụng rộng rãi./.