khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển khu vực Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng cao 2 - 4m.
TTXVN - Ngày 23/11, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Vũ Anh Tuấn cho biết, sáng 23/11, một vùng áp thấp hình thành trên vùng biển Nam Biển Đông có vị trí ở vào khoảng 06N-111E. Vùng áp thấp này có xu hướng dịch chuyển chậm về phía Tây và không loại trừ khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trên biển, hiện bộ phận không khí lạnh đã báo tiếp tục di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo, trong ngày 23/11, vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4m.
Chiều tối và đêm 23/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển khu vực Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng cao 2-4m.
Đêm 23/11, vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây khu vực Trường Sa) và vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng cao 2 - 4m.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nên trong ngày và đêm 23/11, vùng biển phía Nam, khu vực giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển khu vực Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau; Cà Mau đến Kiên Giang và vùng biển phía Nam của vịnh Thái Lan có mưa rào, dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh cấp 7 - 8.
Cảnh báo, ngày và đêm 24/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả khu vưc Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao 3 - 5m, biển động mạnh. Vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây khu vực Trường Sa) và vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 2 - 5m, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Theo Phó trưởng Phòng Vũ Anh Tuấn, trên đất liền, từ chiều tối 23/11, khối không khí lạnh ở miền Bắc sẽ di chuyển lệch về phía Đông xuống phía Nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với biến động của đới gió Đông, gần sáng 25-27/11, khu vực Trung Bộ sẽ xuất hiện mưa rất to diện rộng và dông. Khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa sẽ xuất hiện lượng mưa phổ biến từ 100 - 300 mm, có những điểm có lượng mưa trên 600 mm.
"Đợt mưa lần này ít có khả năng xảy ra mưa lớn như đợt mưa từ ngày 13-17/11 vừa qua tại khu vực miền Trung. Tuy nhiên, mưa diễn ra trên diện rộng, cục bộ có nơi rất lớn. Do vậy, người dân và chính quyền các địa phương chịu ảnh hưởng đặc biệt chú ý đến lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. Khu vực đô thị và ven sông đề phòng ngập úng", ông Vũ Anh Tuấn lưu ý.
Ông Vũ Anh Tuấn khuyến cáo, trước các hình thái thời tiết trên, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực, đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Chính quyền và các đơn vị chức năng cần vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, dông... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.../.