Hội nhập

Việt Nam nỗ lực trao quyền cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số

Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc cho rằng hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực phi chính thức cần được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc Caitlin Wiesen. (Ảnh: TTXVN)

TTXVN - Theo Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Caitlin Wiesen, Việt Nam đang nỗ lực trao quyền cho phụ nữ tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, bà Caitlin Wiesen cho biết Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc trong một số dự án nhằm nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cũng như giúp phụ nữ dân tộc thiểu số cải thiện sinh kế và thu nhập.

Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc cho rằng hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực phi chính thức cần được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên được hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng trong nước, khu vực, toàn cầu.

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong đổi mới và phát triển kinh tế góp phần đảm bảo bình đẳng giới bền vững và UNDP sẽ tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái thuận lợi cho các nữ doanh nhân và cơ sở của họ phát triển, Trưởng đại diện UNDP nhấn mạnh.

Đề cập tới sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, bà Caitlin Wiesen đề cao kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,26%, tăng 3,54% so với nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong đời sống chính trị và UNDP cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong những nỗ lực này.

Bà Caitlin Wiesen cho rằng trao quyền kinh tế và hỗ trợ tài chính cho phụ nữ trong kỷ nguyên kỹ thuật số giúp chính phủ các nước và người dân phục hồi mạnh mẽ, bền vững, đồng thời khuyến nghị để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong sáng tạo và phát triển kinh tế, cần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số nhằm đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái không bị bỏ lại phía sau.

Trao đổi về đóng góp của Việt Nam trong Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bà Caitlin Wiesen đánh giá cao cam kết của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tham gia của các nữ quân nhân trong các hoạt động này. Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan vào năm 2018. Từ đó đến nay tỷ lệ nữ trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tăng đều và hiện ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực.

Với tư cách là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam đóng vai trò tiên phong ở khu vực trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh UNDP sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy vai trò hàng đầu cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc gia tăng sự đóng góp có ý nghĩa của phụ nữ vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở khu vực và trên thế giới./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm