Xã hội

Vĩnh Long: Đến năm 2025, kinh tế số đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm nội địa

Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, trong đó ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến.

Thu hoạch lúa áp dụng khoa học công nghệ tại xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và năng suất lao động; thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào tăng trưởng GRDP hàng năm, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 10% GRDP của tỉnh. Đó là mục tiêu của kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành.

Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, trong đó ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến. Tỉnh có 100% sản phẩm OCOP được đưa trên các sàn thương mại điện tử nội địa; có ít nhất 10 sản phẩm, hàng hóa ứng dụng các công nghệ số truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của tỉnh… Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh; có ít nhất 30 sản phẩm, hàng hóa ứng dụng các công nghệ số truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của tỉnh...

Để thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số. Tỉnh tăng cường triển khai, phổ biến các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, kết nối nền tảng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu nhằm nghiên cứu hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất, sản phẩm, dịch vụ mới. Mặt khác, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế số, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Long cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đối với phát triển chính quyền số và xã hội số của địa phương.

Đối với chính quyền số, đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 90% người dân, doanh nghiệp thực hiện đánh giá hài lòng khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công mới của cơ quan Nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài Nhà nước...

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Long ngày càng được mọi người đón nhận. (Ảnh: TTXVN phát)

Về phát triển xã hội số, tỉnh đưa hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tối thiểu 50% dân số của tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử; thúc đẩy người dân sử dụng phương thức thanh toán điện tử ở các dịch vụ như: thanh toán tiền điện, nước, học phí, internet, y tế,...

Tỉnh Vĩnh Long xác định nhiệm vụ chuyển đổi số là trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp, nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời, chuyển đổi số của tỉnh phải gắn liền với cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp, các ngành; hiệu quả quản lý của chính quyền gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng./.

Phạm Minh Tuấn

Xem thêm