Sức khỏe

Xây dựng Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm hàng đầu khu vực

Thời gian tới, Bệnh viện Ung bướu tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu về xạ trị; phẫu thuật nội soi robot và phẫu thuật vi phẫu tái tạo; ...

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, Trung tâm xạ trị Proton, Lò sản xuất phóng xạ cyclotron… với định hướng trở thành trung tâm chẩn đoán, điều trị ung thư hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đây là thông tin được chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 15/5.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chúc mừng Bệnh viện Ung bướu. 
Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, 40 năm trước, bệnh viện ra đời với quy mô ban đầu chỉ có 425 giường bệnh, 465 nhân viên y tế. Đến nay, đơn vị đã có 1.300 giường bệnh và hơn 1.900 nhân viên y tế với đầy đủ các phương tiện điều trị đa mô thức như: 13 máy xạ trị ngoài, hệ thống xạ trị trong, 20 phòng mổ hiện đại với áp lực dương bảo đảm vô khuẩn… Bệnh viện còn được trang bị đầy đủ các phương pháp điều trị nội khoa ung thư (hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch...) và hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán như: PET-CT, MRI 3 tesla, CT, hệ thống xét nghiệm automation, hệ thống giải trình tự gen thế hệ mới, xét nghiệm sinh học phân tử…

Hiện nay mỗi năm, Bệnh viện Ung bướu đón nhận hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám, gần 55.000 lượt điều trị nội trú, hơn 375.000 lượt điều trị ngoại trú, gần 39.000 ca mổ, 180.000 lượt xạ trị và 320.000 lượt điều trị nội khoa (hóa trị, liệu pháp nhắm đích, liệu pháp miễn dịch)… Đơn vị trở thành bệnh viện chuyên khoa ung thư tuyến cuối của cả khu vực phía Nam với hơn 70% số ca bệnh đến từ các tỉnh, thành phố khác.

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại trong chẩn đoán, điều trị ung thư. 
Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Thời gian tới, Bệnh viện Ung bướu tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu về xạ trị; phẫu thuật nội soi robot và phẫu thuật vi phẫu tái tạo; áp dụng các phác đồ mới về hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch; áp dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh X-quang, trong lập kế hoạch xạ trị, chẩn đoán hình ảnh giải phẫu bệnh… Trong kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030, Bệnh viện Ung bướu được đầu tư các dự án trọng điểm như: Xây dựng mới Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, Dự án xây dựng Trung tâm xạ trị Proton, Dự án lò sản xuất phóng xạ cyclotron… Đây cũng chính là tiền đề để đưa Bệnh viện Ung bướu trở thành trung tâm chẩn đoán và điều trị ung thư hàng đầu Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, hiện nay, ung thư vẫn đang là một trong những gánh nặng y tế hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung với số lượng bệnh nhân mắc mới liên tục gia tăng. Điều này đòi hỏi cần xây dựng và triển khai hiệu quả các chiến lược phòng, chống ung thư; trong đó đặc biệt chú trọng công tác phát hiện sớm và tầm soát định kỳ. Vì vậy, lãnh đạo Thành phố đã có định hướng xây dựng một số trung tâm tầm soát bệnh ung thư và các bệnh không lây khác, trong đó có một trung tâm đặt tại tại cơ sở Bệnh viện Ung bướu hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ mắc mới, cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.

Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án “Phát triển hệ thống y tế trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, lãnh đạo UBND Thành phố yêu cầu, tập thể cán bộ và nhân viên bệnh viện cần tiếp tục phát triển các trung tâm kỹ thuật chuyên sâu, ứng dụng mạnh mẽ các kỹ thuật hiện đại như xạ trị tiên tiến, phẫu thuật robot, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch - hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời, bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng quốc tế hóa từ quy trình tiếp nhận, điều trị đến chăm sóc toàn diện, để trở thành điểm đến tin cậy cho cả người bệnh trong nước và khu vực. “Bệnh viện không chỉ là nơi điều trị, mà cần vươn lên trở thành trung tâm học thuật, trung tâm chuyển giao tri thức hàng đầu trong lĩnh vực ung thư, góp phần khẳng định vị thế của y tế Thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ y học khu vực”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh./.

Đinh Thị Hằng

Tin liên quan

Xem thêm